Kinh tế

Dẫn vốn cho đổi mới sáng tạo bằng thể chế

Hạnh Lê thực hiện 20/05/2025 02:26

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển bứt phá hơn khi những điểm nghẽn về thể chế, chính sách được khơi thông theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.

anh Thinh (1)

Trao đổi với DĐDN, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế là phần “lõi” quan trọng nhất để hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

- Đổi mới sáng tạo đã được đề cập nhiều trong những năm qua nhưng dấu ấn trong nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp chưa được rõ nét, thưa ông?

ĐMST không phải là vấn đề mới bởi trong giai đoạn hiện nay, không ĐMST doanh nghiệp khó tồn tại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động này đang được thực hiện theo cách truyền thống, theo nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và thiếu đột phá bởi những điểm nghẽn thể chế, chính sách chưa được khơi thông.

Những điểm nghẽn trên đang được tháo gỡ một cách đồng bộ và kịp thời bằng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nghị quyết này đang được cụ thể hoá rất nhanh bằng nhiều cơ chế, chính sách đột phá, tiếp cận các thông lệ quốc tế về ĐMST. Tôi cho rằng, đây là thời điểm vàng cho ĐMST tại Việt Nam, góp phần khơi thông các nguồn lực trong và ngoài nước vào doanh nghiệp.

- Trong các nguồn lực, nguồn lực tài chính có vai trò quan trọng nhưng thời gian qua doanh nghiệp rất khó khăn xoay xở tìm kiếm. Với cơ chế mới, nguồn lực này được dẫn dắt thế nào vào nền kinh tế, thưa ông?

Trước hết, với vai trò dẫn dắt, nguồn lực từ Nhà nước sẽ được tăng thêm cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, ĐMST nhằm gia tăng giá trị và tạo đột phá cho tăng trưởng. Đáng chú ý, một chính sách đột phá đang được soạn thảo là tài trợ trực tiếp từ Nhà nước cho doanh nghiệp theo các chương trình quốc gia hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và phù hợp với thông lệ. Thực ra những hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã được thực thi nhưng còn phức tạp về thủ tục, quy trình thực hiện khiến hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.

khoinghiep.jpg
Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã được thực thi nhưng còn phức tạp về thủ tục, quy trình thực hiện khiến hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.

Thứ hai, mở rộng kênh dẫn vốn hỗ trợ ĐMST khởi nghiệp cho doanh nghiệp. Nguồn vốn này hiện nay doanh nghiệp vừa khó tiếp cận vừa bị bỏ qua. Điểm lại sẽ thấy vốn từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng không nhiều trong khi nguồn vốn lớn - vốn cộng đồng từ các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư mạo hiểm hoạt động ở khắp thế giới đang chờ cơ hội sẵn sàng vào Việt Nam để đầu tư. Ngoài dòng vốn từ nước ngoài là nguồn lực tài chính hỗ trợ của các tập đoàn, tổng công ty trong nước. Hơn ai hết các “sếu đầu đàn” này đều nhận thức rõ: để tồn tại bền vững cần có quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghệ mới, cho các startup. Đây cũng chính là thị trường tương lai của họ; là hoạt động ĐMST mở hiệu quả thay vì tự đầu tư R&D. Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng phát triển theo thông lệ như vậy. Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, chính sách sẽ mở đường dẫn vốn vào thị trường. Các doanh nghiệp lớn được tạo cơ hội tham gia và hình thành chuỗi giá trị để cùng các startup cùng giải quyết các bài toán lớn.

- Trở lại với sự dẫn dắt từ vốn ngân sách của Nhà nước, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, theo ông, sự hỗ trợ này cần thực hiện ra sao để mang lại hiệu quả tốt nhất?

Ở các quốc gia, hoạt động đổi mới sáng tạo luôn được thúc đẩy từ nguồn lực Nhà nước. Với điều kiện của Việt Nam, tôi cho rằng, để đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực chất, hiệu quả cần tập trung vào các ngành mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm.
Thành công của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho thấy, đầu tiên cần đầu tư mạnh hơn và nâng tầm cho các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện tại Việt Nam, các trung tâm này đang chưa đủ mạnh về số lượng và tương đối thiếu về nguồn lực, nhân sự, cơ sở vật chất…

Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng xét đến đặc thù của đổi mới sáng tạo. Đó là quá trình có nhiều vấn đề phát sinh trong triển khai nhưng có thể mang đến những thay đổi một cách bất ngờ, khó có thể lường trước được, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay. Do đó, quan trọng là cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt theo hướng mở để chấp nhận ý tưởng đột phá dựa trên mô hình tăng trưởng tốt của doanh nghiệp thay vì đưa ra khung cơ chế chính sách quá cứng nhắc. Với quan điểm như vậy, tôi cho rằng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp có thể hướng đến các startup có khả năng tạo ra tăng trưởng nhanh phát triển dựa trên khoa học công nghệ; các doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia.

Thứ ba là hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu - cái nôi của khoa học công nghệ và là nguồn cung cấp sản phẩm đầu tư cho các doanh nghiệp, tập đoàn; thay đổi triết lý đào tạo, tăng cường trao đổi hợp tác quốc tế tạo điều kiện phát triển “hạt giống” tài năng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dẫn vốn cho đổi mới sáng tạo bằng thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO