Chuyên đề

Đón "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế", thay đổi kinh tế tư nhân về chất

Lê Mỹ 18/05/2025 11:00

"Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho kinh tế tư nhân (KTTN)"...

Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang diễn ra sáng ngày 18/5/2025.

phu_3737.jpg
Trước khi tham dự Hội nghị, tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội, các đại biểu đã thăm quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân". Trong ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo các Ban, bộ ngành thăm quan Gian hàng của Tập đoàn TTC. Ảnh: TTC Group

Trước đó, vào sáng 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị được ban hành đã dẫn dắt, định hướng tầm nhìn cho nền kinh tế trong bối cảnh mới, với những yêu cầu khách quan, chủ quan, để nắm mới những cơ hội và thời cơ mới cho phát triển đất nước. Trong đó, đặc biệt Nghị quyết 68 mang đến làn gió mới, kỳ vọng mới cho kinh tế tư nhân.

"Nghị quyết 68/NQ-TW mới được ban hành tròn 2 tuần, nhưng đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh hồ hởi đón nhận, xem đây là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho KTTN, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy KTTN vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68, về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68, về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhanh chóng cụ thể hóa và thực thi các Nghị quyết, các chuyên gia cho rằng, việc hiện thực các văn bản dưới Nghị quyết đã và đang được toàn dân, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân mong đợi. Theo chuyên gia Nguyễn Minh Hạnh của Chứng khoán SHS, trước tiên, giai đoạn 2025–2030 cần ưu tiên hoàn thiện khung pháp lý cụ thể hóa Nghị quyết 57, 66 và 68, bao gồm: sửa đổi các luật quan trọng và luật hóa nguyên tắc tự do kinh doanh đồng thời bãi bỏ những giấy phép chồng chéo.

Đặc biệt, ông Hạnh kiến nghị, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP, đánh dấu bước ngoặt chính sách trong việc chính thức triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng vào 29/4. Việc ban hành cơ chế sandbox cho công nghệ mới cần đi cùng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cùng với đó, theo ông Nguyễn Minh Hạnh, cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình cởi mở như Dubai đã thực hiện nhằm tạo ra sự đột phá mạnh mẽ.

tttcqt.jpg
Trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình cởi mở kỳ vọng tạo thêm lực đột phá cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Itn

Một số các kiến nghị liên quan đến kích hoạt dòng vốn đầu tư mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, cũng được đề xuất như:

Học tập mô hình hỗ trợ khu vực tư nhân của các nước phát triển: bằng cách thành lập các cơ quan chuyên trách như Ủy ban Phát triển DNNVV và Khởi nghiệp trực thuộc Chính phủ (mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore), nhằm hỗ trợ hiệu quả cho SMEs và startup. Đồng thời, cần thiết lập Hội đồng đổi mới sáng tạo quốc gia để chỉ đạo các chương trình khoa học – công nghệ trọng điểm. Những thiết chế này sẽ giúp triển khai nghị quyết một cách tập trung, có trách nhiệm và hiệu quả hơn.

Tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực: thông qua cải cách giáo dục gắn với nhu cầu thị trường và thúc đẩy kỹ năng số, tư duy sáng tạo. Hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo sẽ giúp sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đồng thời, nên có chính sách thu hút nhân tài Việt ở nước ngoài và đẩy mạnh đào tạo lại lực lượng lao động nhằm thích ứng với chuyển đổi công nghệ và tự động hóa.

Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp – hình thành cụm ngành và chuỗi cung ứng nội địa: tại những địa bàn trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực tiềm năng (VD: cụm công nghệ thông tin ở TP.HCM, cụm sản xuất điện tử ở Bắc Ninh, cụm chế biến nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long...); hỗ trợ chính sách thu hút doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường học cùng tham gia, đồng thời khuyến khích liên kết giữa FDI và doanh nghiệp Việt. Mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng nội địa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo: thông qua ưu đãi thuế hoặc thưởng tín dụng thuế cho những doanh nghiệp có dự án đổi mới thành công, quỹ đồng tài trợ và mở rộng các quỹ phát triển khoa học công nghệ. Cần giám sát chặt việc sử dụng quỹ để đảm bảo đúng mục đích. Việc tăng chi cho R&D sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh.

Nâng cao trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp của khu vực tư nhân: Bên cạnh việc trao quyền, cần yêu cầu khu vực tư nhân nâng cao chuẩn mực quản trị và tuân thủ pháp luật, đặc biệt về thuế, lao động và môi trường. Chuẩn ESG nên được tích hợp vào đánh giá doanh nghiệp và có cơ chế ưu đãi phù hợp. Điều này giúp nâng chất lượng thị trường, chuẩn bị cho hội nhập quốc tế, đồng thời cần song hành với cải cách tư pháp và chống tham nhũng để tạo môi trường kinh doanh liêm chính.

Tăng cường hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm: tích cực học hỏi từ các nước đi trước, như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong xây dựng thể chế thúc đẩy tư nhân; tổ chức các đoàn công tác sang tìm hiểu mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, chính sách “chaebol” của Hàn Quốc, chiến lược phát triển AI của Trung Quốc... để áp dụng linh hoạt. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (World Bank, OECD, UNDP) trong tư vấn chính sách nâng cao năng suất, chuyển đổi số, quản trị kinh tế; tham gia các hiệp định thế hệ mới (như CPTPP, RCEP, sắp tới có thể là DEPA về kinh tế số), cần được tận dụng như đòn bẩy để cải cách nội địa phù hợp cam kết, không để chậm trễ.

Khẳng định Nghị quyết 68 là một cú chuyển lớn từ quan niệm coi tư nhân là “một bộ phận” đến vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nhấn mạnh về vai trò chủ động của doanh nghiệp.

Chuyên gia khẳng định Nghị quyết 68 thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân: Nhà nước sẽ kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài chứ không phải là một biện pháp tình thế. Điều này đã mang lại niềm tin - thứ tài sản vô hình nhưng vô cùng thiết yếu để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững. Qua đó tạo ra một luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực, khí thế và năng lượng tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Để thực thi Nghị quyết, thay đổi khu vực kinh tế tư nhân từ chất, tạo sự đột phá, chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường phân tích chi phí - lợi ích, đánh giá tác động chính sách và khẩn trương bắt nhịp các chủ trương hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đón "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế", thay đổi kinh tế tư nhân về chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO