Hiện nay có rất nhiều công nghệ cho phép các đơn vị bán hàng vừa tạo livestream vừa tiếp nhận và xử lý các đơn hàng online.
Bán hàng qua livestream hiện đang trở thành xu hướng chung vì không chỉ phù hợp với thói quen người tiêu dùng mà còn giúp thương hiệu tương tác trực tiếp với khách hàng. Không chỉ vậy, hiện nay có rất nhiều công nghệ cho phép các đơn vị bán hàng vừa tạo livestream vừa tiếp nhận và xử lý các đơn hàng online.
Ulta Beauty, Walmart, Anne Klein và Samsung là những cái tên lớn rất tích cực trong phong trào livestream bán hàng, bởi đây là một phần trong chiến dịch thúc đẩy doanh số thương mại điện tử của họ. Trong thời kỳ ai cũng ngại ra đường vì dịch, các chương trình livestream dự báo sẽ trở thành công cụ để tiếp cận các đối tượng người tiêu dùng bị bắt buộc ở nhà.
Trong đó, thiết bị di động chính là phương tiện xem livestream phổ biến nhất. Theo Oz Etzioni, CEO của nền tảng quảng cáo Clinch, 60% các giao dịch qua livestream được tiến hành trên điện thoại và máy tính bảng.
Một số chuyên gia nhận định kết quả từ livestream còn cao hơn việc quảng cáo nhắm lại (retargeting) các đối tượng đã từng tương tác. Theo dự báo, doanh số bán hàng qua livestream sẽ tăng gấp đôi so với con số 60 tỷ USD năm 2019.
Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong con số 60 tỷ này, thế nhưng thị trường Hoa Kỳ vẫn có những triển vọng cực khả quan khi một số thương hiệu lớn đã bắt đầu để mắt đến livestream bán hàng để thúc đẩy doanh số và tạo tương tác trực tiếp với khách hàng.
Công nghệ hiện đại cho phép các đơn vị bán hàng có nhiều không gian để phát triển các livestream của mình hơn, chẳng hạn Ulta Beauty.
Ulta là cái tên gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch khi buộc phải đóng cửa tất cả 1264 cửa hàng. Để thúc đẩy doanh số, tháng trước Ulta đã cho ra mắt một buổi livestream. Không chỉ vậy, thương hiệu này còn hợp tác với đơn vị lập trình thực tế tăng cường (AR) Perfect Corp. để mở rộng chuỗi livestream Beauty School thành một trải nghiệm mua hàng có tính tương tác hơn.
Theo đó, chương trình này cho phép khách hàng kết nối trực tiếp với thương hiệu ngay trên website. Người xem có thể đặt câu hỏi và “dùng thử” các sản phẩm làm đẹp thông qua các bộ lọc và công nghệ tương tự, đem đến trải nghiệm không khác gì đi ra ngoài cửa hàng.
Ulta lên kế hoạch thu hút những khách hàng đang bị bó buộc ở nhà thông qua các livestream khác trong tháng này. Christine White, Giám đốc Tiếp thị Xã hội và Nội dung của Ulta, chia sẻ: “Mặc dù có nhiều nền tảng để tương tác với người tiêu dùng, nhưng việc tạo ra một nền tảng livestream mới, phù hợp với sản phẩm và hệ sinh thái riêng của thương hiệu lại đem đến những giá trị rất tích cực. Chúng tôi tin việc bồi đắp mối quan hệ và tương tác với khách hàng sẽ đem đến những lợi ích về lâu về dài.”
Trong khi đó, Walmart lại triển khai livestream trên TikTok. Đây không phải là một nền tảng xa lạ, tuy nhiên Walmart là công ty Hoa Kỳ đầu tiên gia nhập sân chơi TikTok. Livestream kéo dài 1 giờ đồng hồ cho phép người xem chọn và đặt hàng trực tiếp trên TikTok.
William White, Giám đốc Marketing Walmart, chia sẻ: “Hoạt động này giúp chúng tôi có cách thức tương tác mới với người dùng, tiếp cận các khách hàng tiềm năng, đồng thời đem đến những nội dung thú vị cho chính thương hiệu”.
Thực tế cho thấy các thiết bị di động là môi trường rất tốt để tương tác giữa người tiêu dùng và marketer, là liên kết tự nhiên có thể mở rộng đối tượng cho những buổi livestream bán hàng. Không chỉ vậy, cơ chế phản hồi trên thiết bị di động cũng hiệu quả hơn so với các quảng cáo trên chương trình TV truyền thống. Rõ ràng, chẳng ai muốn gián đoạn chương trình để xem quảng cáo.
Ngoài livestream, các mã quét QR được nhúng vào trong quảng cáo TV cũng là phương pháp mới mẻ và hữu ích để loại bỏ những trải nghiệm “bị động” truyền thống và đưa người dùng đến các nền tảng tương tác online.
Một số tên tuổi lớn trong làng công nghệ cũng đã bắt đầu triển khai nền tảng livestream để hỗ trợ kinh doanh online.
Chẳng hạn vào năm 2019, Amazon ra mắt Amazon Live, cho phép các người nổi tiếng livestream giới thiệu các loại hàng hóa có trên website Amazon và nhận về hoa hồng. Hoặc tháng 7/2020, Google tiến hành thử nghiệm Shoploop, nền tảng mua sắm qua video cho phép người dùng tìm kiếm, đánh giá và mua hàng.
Trong khi thị trường Hoa Kỳ mới chỉ đang làm quen với livestream bán hàng, thì ở Trung Quốc, xu hướng này đã lan đến từng ngõ ngách. Alibaba kiếm về hàng tỷ USD từ doanh số trên Taobao Live. Trong ngày Lễ độc thân 11.11 năm ngoái, doanh số Taobao Live trong 30 phút đầu đạt tận 7.5 tỷ USD. Không chỉ những người có sức ảnh hưởng nhỏ, đến các ngôi sao hàng đầu cũng tham gia vào livestream bán hàng của các thương hiệu.
Có thể nói đây là thời đại của livestream bán hàng. Tuy nhiên để giữ vững khách hàng, các thương hiệu cần trung thực, minh bạch với khách hàng và đưa ra những nội dung liên quan. Dù sao xung quanh người tiêu dùng cũng có rất nhiều kênh khác nhau, do đó họ có quyền lựa chọn những gì họ cảm thấy có giá trị nhất.
Có thể bạn quan tâm