[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Phát triển đất nước nhìn từ câu chuyện bóng đá

Diendandoanhnghiep.vn Nếu như, vinh quang của đội bóng không tỏa sáng từ một cá nhân thì thành công của đất nước cần có sự nỗ lực của cả hơn 90 triệu người dân đất Việt.

Vào lúc 19h tối nay (10/12), đội tuyển nam bước vào trận chung kết với Indonesia môn bóng đá nam Sea Games. Tức là, U22 Việt Nam chỉ còn cách tấm huy chương vàng (HCV) khu vực vỏn vẹn 1 trận nữa. 

Tấm huy chương vàng bóng đá nam Seagame chờ đợi 60 năm.

Tấm huy chương vàng bóng đá nam Seagame chờ đợi 60 năm.

Bóng đá – môn thể thao gắn kết tinh thần dân tộc

Nếu tuyển U22 giành chiến thắng trận chung kết tối nay, Việt Nam sẽ đoạt tấm HCV đầu tiên sau 60 năm kể từ kì đại hội năm 1959 tại Bangkok (Thái Lan) của đội miền Nam Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất sắc giành ngôi Á quân U23 châu Á, hạng 4 ASIAD, vô địch AFF Cup và giờ khát khao trở thành nhà vô địch thêm một lần nữa.

Trước đó, đội tuyển nữ Việt Nam đã bảo vệ thành công tấm HCV bóng đá Sea Games sau trận chung kết kịch tính với Thái Lan. Đáng chú ý, trận thắng của tuyển nữ Việt Nam thực sự để lại hình ảnh rất khâm phục về ý chí chí chiến đấu kiên cường. Nhiều cầu thủ bị đau, bị đổ máu vẫn thi đấu tới những phút cuối cùng để bảo vệ tấm HCV. Đặc biệt trường hợp của Trần Thị Hồng Nhung đã phải nhập viện cấp cứu.

Để đến được với vinh quang, đó là cả một chặng đường dài đầy chông gai. Sự khổ luyện, rèn giũa, phấn đấu miệt mài và vinh quang ấy thấm đau vì bao thương tích. Đúng như lời ca khúc “Đường tới vinh quang” của cố Nhạc sỹ Trần Lập: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân không thấm đau vì những mũi gai, đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió…”.

Thực tế, ai ai cũng thấy được hình ảnh các cầu thủ nam – nữ của đội tuyển khi bước ra sân họ như những chiến binh, họ đã thắp lên niềm tự hào dân tộc, đoàn kết triệu người như một. Nên, những thành tích đáng nể ấy không phải là may mắn mà là thực sự sức mạnh của nhân dân Việt Nam.

Và không ai có thể phủ nhận thành công của bóng đá nước nhà, nhất là bóng đá nam trong hơn một năm trở lại đây khi những kỳ tích liên tục được tạo ra. Ở đó, với tuyển nam, người ta thấy HLV Park Hang –Seo, còn tuyển nữ, thì có HLV Mai Đức Chung. Cả hai thật sự là một mảnh ghép lớn vào bức tranh tinh thần của môn bóng đá nói riêng.

Chúng ta cùng mong chờ tuyển nam hiện thực hóa giấc mơ vàng Sea Geams. Chưa bao giờ, cả dân tộc Việt Nam lại hướng đến bóng đá mạnh mẽ như lúc này. Họ đã khiến trái tim hàng triệu con người trên đất nước này chung một nhịp đập, một niềm tự hào, một tình yêu.

Câu chuyện từ sân cỏ đặt rộng ra trên “sân hội nhập”

Quan trọng hơn, không chỉ là gói gọn trong bóng đá, có rất nhiều bài học mà chúng ta có thể rút ra cho lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam khi lòng yêu nước đang dâng cao nhờ bóng đá là điều không ít người nhắc tới. Đó là bài học về tinh thần chiến đấu quả cảm “thắng không kiêu, bại không nản”, bài học về tính kỷ luật và tinh thần đồng đội… mà không ít người trong chúng ta vẫn còn thiếu.

Song song, một số chuyên gia còn nhìn thấy ở HLV Park Hang-Seo sở hữu 5 yếu tố cần thiết với một nhà lãnh đạo để thành công, bao gồm: Khả năng tư duy tự ngẫm; Khả năng tham gia vào cuộc rất chi tiết; Sự hợp tình hợp lý và chính trực không thiên vị; Sử dụng trực giác để ra quyết định và cuối cùng là tràn đầy tình yêu thương trong sinh hoạt với cả đội.

Có lẽ vì thế mà tình đoàn kết, tính dân tộc cũng được đặt lên hàng đầu. Liên quan đến vần đề này, còn nhớ lúc sinh thời, với tư duy biện chứng, Bác Hồ cho rằng những khác biệt trong xã hội là tất yếu khách quan và muốn cho quốc gia tồn tại, phát triển thì phải chấp nhận sự khác biệt để tạo được đồng thuận xã hội. Bởi vậy Người luôn đề cao tinh thần hoà hợp, đoàn kết dân tộc. 

Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Thậm chí, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – một chuyên gia chiến lược của Bộ Khoa học và Công nghệ còn cho rằng, thế hệ bóng đá hiện nay đang mang những điểm cực kỳ khác biệt về chiến lược và nghệ thuật quản trị cấp cao.

“Nhiều trận đấu ở cấp độ khu vực và châu lục thể hiện đúng triết lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam là “yếu có thể thắng mạnh”. Tư duy này nằm trong truyền thống của lịch sử, thể hiện tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”,“tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có" từ thời Nguyễn Trãi và tinh thần “tấn công thần tốc” của Quang Trung Nguyễn Huệ đã được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng trong chiến thắng chống Mỹ” - ông Nguyễn Hữu Thái Hòa phân tích.

Thực tế, những bài học trên suy cho cùng nó cũng là yêu cầu của mọi tổ chức, mọi cơ quan, mọi doanh nghiệp… chứ không chỉ là yêu cầu của một đội bóng. Bởi vì, đã tồn tại trong một guồng máy thì phải vận hành theo những quy định, quy trình nhất định, chứ không thể biện minh về những lý do chủ quan hay khách quan nào đó.

Về mặt tổ chức tầm vĩ mô, pháp luật là tối thượng. Khó mà chấp nhận những sai phạm đầy vị kỷ của những cá nhân nào đó mà người chịu thiệt hại lại là Nhà nước và nhân dân. Thế nhưng tiếc thay, “đổ lỗi” lại là “sở trường” của một số cán bộ và quan chức ở ta.

Khi mà vẫn còn những doanh nghiệp vì lợi ích của bản thân, khi mà những quan chức, lãnh đạo địa phương chỉ nhìn thấy được lợi ích cục bộ, khi vẫn còn tình trạng quy hoạch bị phá vỡ, “băm nát” vì những cái bắt tay thông đồng, khi tham nhũng “dĩ công vi tư” vẫn hoành hành, khi lợi ích chung của quốc gia bị gạt sang một bên… thì rất khó để đất nước tiến những bước dài.

Thành thử, câu chuyện từ sân cỏ đặt rộng ra trên “sân hội nhập”. Trỗi dậy mạnh mẽ sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam là một quốc gia hàng đầu trong nắm bắt toàn cầu hóa. Là nước có độ mở nền kinh tế cao, nếu không muốn thất bại, Việt Nam phải là một trong những thành tố rất tích cực, kiến tạo trật tự mới về thương mại, có khát vọng, nỗ lực lớn, đến độ, nỗ lực để thế giới phải kinh ngạc. 

Từ đó cho thấy, khát vọng vươn cao Việt Nam chỉ có được khi chúng ta nhập “sân hội nhập” một cách chủ động, đoàn kết, tự tin và có một nền tảng kinh tế độc lập, tự chủ, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gen” Việt Nam, tạo nên vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, tạo ra lòng tin sâu rộng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Nếu như, vinh quang của đội bóng không tỏa sáng từ một cá nhân thì thành công của đất nước cần có sự nỗ lực của cả hơn 90 triệu người dân đất Việt. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Phát triển đất nước nhìn từ câu chuyện bóng đá tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713576999 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713576999 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10