Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tăng cả về số lượng cũng như giá trị. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xuất khẩu gạo lại không mấy sáng sủa.
>>>Thái Bình: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm cách vượt khó
Đối với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG), mặc dù doanh thu trong quý I/2023 tăng 4,5% so với cùng kỳ, đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về 619 tỷ đồng (chiếm 25%); doanh thu từ lương thực đạt 1.675 tỷ đồng, còn doanh thu từ mảng hạt giống cây trồng mang về 112 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tăng, nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng gần 400 tỷ đồng đã đẩy lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 50%, xuống còn 273 tỷ đồng. Riêng mảng gạo lãi gộp chỉ đạt 9 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng gấp 2 lần, lên 147 tỷ đồng, cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng. Kết quả, LTG báo lỗ trước thuế 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 244 tỷ đồng, còn con số lỗ sau thuế là hơn 81 tỷ đồng.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 được tổ chức vào giữa tháng 4 vừa qua, LTG cho biết, doanh nghiệp sẽ nỗ lực đạt lợi nhuận vượt kế hoạch (400 tỷ đồng) để tích lũy vào quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên theo định hướng phát triển bền vững.
Ngoài ra, tập đoàn này còn định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 – sản xuất quy mô lớn và cơ giới hoá đồng bộ, giảm 1 triệu lít hoá chất rải xuống đồng ruộng.
Tương tự, tại Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (HoSE: AGM), kết quả kinh doanh cũng khá ảm đạm, với doanh thu thuần giảm 84% xuống còn hơn 159 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm tới 89% xuống còn 8,8 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm 67% xuống 9,7 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm tới 113%.
Chi phi bán hàng ghi nhận 16 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp 7,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 76% và 40% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả, AGM báo lỗ sau thuế gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh quý I/2023 lỗ, trong khi cùng kỳ kinh doanh có lãi là do doanh số bán hàng giảm mạnh, nhưng doanh nghiệp vẫn phải gánh các khoản định phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính và lợi nhuận khác lần lượt giảm 67% và 113%.
Ở một diễn biến khác, cổ phiếu AGM đã bị HoSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 12/05/2023 do Công ty chậm nộp BCTC năm 2022 (riêng lẻ và hợp nhất) đã được kiểm toán quả 30 ngày so với thời hạn quy định.
Theo giải trình của AGM, do công ty vẫn đang trong thời gian tổ chức thực hiện đàm phán với trái chủ dễ xin gia hạn thời gian trả gốc lãi trái phiếu nên chưa có kết quả đàm phán với trái chủ để cập nhật vào BCTC kiểm toán, vì thế BCTC kiểm toán năm 2022 (riêng lẻ và hợp nhất) vẫn chưa được ký, dẫn đến bị chậm nộp quá thời hạn quy định.
AGM cho biết, đang khẩn trương thực hiện việc đàm phán với trái chủ và sẽ nộp BCTC năm 2022 (riêng lẻ và hợp nhất) đã được kiểm toán ngay sau khi Công ty kiểm toán ký BCTC. Ngoài ra, AGM cũng đưa ra lộ trình khắc phục là hàng quý giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và công bố thông tin, không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
May mắn không lỗ như LTG và AGM, nhưng Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HoSE: TAR) có kết quả kinh doanh “đi lùi” so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của TAR đạt 897 tỷ đồng, giảm sút 60 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận khác của công ty cũng “tụt dốc” chỉ đạt 310 triệu đồng. So với con số 4 tỷ của năm trước, lợi nhuận khác của năm nay đã giảm hơn 92%.
Sau khi trừ đi các chi phí, TAR vẫn thu về 8,4 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty đã giảm 68,6% tương ứng với 18,6 tỷ đồng. Giải trình về sự suy giảm này, TAR cho biết nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo thường niên 2022, TAR đặt ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế cho năm 2023 là 110 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đặt ra quý I, doanh nghiệp mới chỉ đạt 7,6% mục tiêu về lợi nhuận. TAR cũng đã vạch ra thế mạnh của ngành nghề kinh doanh chính là lương thực và xuất khẩu gao.
Với Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), ghi nhận doanh thu quý I/2023 giảm 14% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 2.531 tỷ đồng, trong đó, mảng nông nghiệp đóng góp hơn 1.036 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm hơn 48% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do công ty không còn khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy gần 74 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam quý I/2023 giảm 12%, đạt hơn 79,3 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản vẫn là điểm sáng khi mức giảm trong 3 tháng đầu năm đều thấp hơn mức giảm chung, thậm chí một số lĩnh vực còn ngược dòng tăng trưởng tốt. Đặc biệt, gạo là cái tên hiếm hoi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023 tới nay.
Sau 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam ghi nhận sản lượng gần 1,9 triệu tấn, trị giá hơn 981 triệu USD, tương ứng tăng tới 34% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất trong vòng 6 quý gần nhất, qua đó đưa gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong tháng 3 và lớn thứ 3 trong quý I/2023 của nhóm nông sản.
Trong báo cáo triển vọng ngành gạo mới đây, Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với xung đột chưa được giải quyết giữa Nga và Ukraine, đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt như Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán). Năm 2023, do ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, xuống còn khoảng 145,5 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
VNDirect kỳ vọng giá xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, do nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng, Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023 khi họ vẫn đang nỗ lực kiềm chế đã tăng giá gạo trong nước; Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu, và nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo trong năm 2023.
Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo Thái Lan trong năm 2023. Theo Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.
Theo Bộ NN-PTNT, diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho niên vụ 2022-2023 tại Việt Nam đã giảm 3% so với niên vụ trước, dẫn đến nguy cơ sản lượng lúa giảm 1% xuống 27 triệu tấn trong niên vụ 2023. Ngược lại, Thái Lan có thể sẽ có một mùa thu hoạch bội thu trong năm nay. Trong niên vụ 2022-2023, Thái Lan dự kiến sản xuất khoảng 20,2 triệu tấn gạo, tăng từ 19 triệu tấn của niên vụ trước.
Bên cạnh đó, VNDirect cũng chỉ ra một số rủi ro của ngành như: Việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu; Đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa; Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm cách vượt khó
12:02, 11/02/2023
Doanh nghiệp ngành gạo: Giá xuất khẩu tăng, lợi nhuận phân hóa
05:00, 24/11/2022
Doanh nghiệp ngành gạo nào hưởng lợi khi giá gạo tăng?
04:00, 21/09/2022
Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo
03:50, 27/12/2021
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chờ “luồng xanh”
11:35, 14/08/2021