Phát triển du lịch golf thành sản phẩm thế mạnh - đây là mục tiêu tỉnh Quảng Ninh hướng tới.
>>>Quảng Ninh: Liên kết vùng để phát triển du lịch
Du lịch golf (Golf Tourism) được hiểu là loại hình du lịch thể thao kết hợp giữa hoạt động chơi golf và khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến.
Để tăng sức hút và mang lại những trải nghiệm giá trị cho du khách, cũng như làm thế nào để du khách chi tiêu nhiều hơn sẽ là một thách thức rất lớn đối với du lịch Quảng Ninh. Khác với khách du lịch truyền thống, khách tham gia du lịch golf thường đến và quay lại nhiều lần, bên cạnh mức phí để chơi golf, họ còn chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng đẳng cấp… Vì thế, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.
Với đặc trưng địa hình 80% diện tích đồi núi và đường biển kéo dài hơn 250km, đây là một lợi thế trong phát triển ngành du lịch golf của Quảng Ninh.
Nhận thấy những tiềm năng to lớn của du lịch golf, tỉnh đã đầu tư hệ thống sân golf gắn liền với các khu nghỉ dưỡng cao cấp, nổi tiếng. Ngoài vẻ đẹp độc đáo với tầm nhìn ra vịnh di sản, các sân golf đều có thiết kế độc đáo, tạo nên những trải nghiệm khác biệt. Ngoài các sân golf đang hoạt động, trong tương lai gần, Quảng Ninh sẽ có hơn 10 sân golf đẹp, qua đó càng khẳng định thương hiệu trên bản đồ golf toàn quốc.
Hiện tại Quảng Ninh có 3 sân golf tiêu chuẩn gồm: Sân golf Vĩnh Thuận (TP Móng Cái), sân golf FLC và sân golf Tuần Châu (TP Hạ Long). Sân golf Đông Triều cũng mới được khởi công vào tháng 10/2021 mở ra nhiều cơ hội để phát triển ngành du lịch golf trên địa bàn tỉnh.
>>>Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh): Tạo lợi thế cho xuất nhập khẩu
>>>Quảng Ninh: Cần "sức bật" để phát triển nuôi trồng thủy sản
Không chỉ hấp dẫn khách du lịch, những năm gần đây, golf đã dần trở thành môn thể thao phổ biến với người dân Vùng mỏ ở nhiều lứa tuổi, giới tính. Phong trào tập golf và hoạt động thể thao golf được phổ cập trong các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ công chức.
Được biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn Quảng Ninh có trên 1.000 người chơi golf, 13 CLB golf thuộc địa bàn tỉnh gồm các đối tượng khác nhau. Trong đó, nổi bật là Hội Golf Quảng Ninh với quy mô gần 200 golf thủ, thường xuyên tổ chức các giải đấu, giao lưu với các golfer trong và ngoài nước; góp phần không nhỏ vào quảng bá hình ảnh Quảng Ninh với bạn bè trong và ngoài nước, gắn kết với phát triển du lịch theo chiến lược phát triển xanh của tỉnh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Nguyễn Hữu Thủy - Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh cho biết, du lịch golf ở Việt Nam đang là một xu thế. Lượng khách tới đánh golf, tham quan du lịch đang tăng rất cao. Du lịch golf là du lịch chất lượng, chi tiêu cao. Các golf thủ ngoài tham gia tour du lịch golf, họ đi cùng gia đình, cơ quan, đoàn thể đồng thời tổ chức nhiều sự kiện, tham quan, chi tiêu.
Có thể thấy, các đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã bước đầu khai thác các dịch vụ, tour du lịch golf, ưu tiên việc thiết kế combo hoặc tour đa dạng các trải nghiệm gồm cả đánh golf, tham quan trải nghiệm, khám phá, chụp ảnh tại sân golf; dịch vụ nghỉ dưỡng và các cảnh điểm đẹp xung quanh, ông Thủy cho biết thêm.
Trên cơ sở những tiềm năng và nhu cầu như hiện tại về phát triển du lịch golf, nhiều ý kiến cho rằng, Quảng Ninh cần có kế hoạch để phát triển và hoàn thiện sản phẩm dịch vụ này một cách nhanh chóng, từ đó đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng về du lịch golf. Mặt khác, sớm có những giải pháp để nắm bắt cơ hội khai thác thị trường nguồn khách tiềm năng. Đồng thời, phát triển ngành du lịch golf cần sự bắt tay chặt chẽ của các ngành dịch vụ liên quan, đẩy mạnh thương hiệu quốc tế của golf Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hòn Gai chi nhánh Quảng Ninh, đa phần các sản phẩm là sản phẩm trọn gói, sử dụng các dịch vụ, sự ưu đãi hoặc lợi thế của đơn vị.
Trước đó, tại Tọa đàm vừa diễn ra tại Quảng Ninh với chủ đề “Du lịch golf - lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế”, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của loại hình du lịch này. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Việt Nam có bốn thế mạnh để phát triển du lịch golf: Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi; thứ hai là tiềm năng về văn hóa, con người; thứ ba là sự đa dạng của nền ẩm thực; và thứ tư là sự phát triển về hạ tầng sân golf.
Hiện, nước ta có gần 100 sân golf đi vào hoạt động, trong đó hơn 30 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Các sân hầu hết đều mới được xây dựng với thiết kế hiện đại ở những vị trí đẹp, gắn liền các khu nghỉ dưỡng trải dọc ba miền bắc, trung, nam.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, để tạo sức hút cho du lịch golf, bên cạnh hoàn thiện các loại hình sân golf, cần kết hợp chơi golf với các hoạt động du lịch mang tính thế mạnh của địa phương để tạo sự khác biệt, hấp dẫn về mặt văn hóa và trải nghiệm.
Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung tổ chức những giải đấu golf chuyên nghiệp và nghiệp dư, các hội thảo, khóa đào tạo, huấn luyện về golf để thu hút những người chơi golf và du khách thật sự quan tâm đến môn thể thao này ở cả trong, ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm