Câu chuyện về hàng nghìn tấn củ cải cần “giải cứu” của người nông dân Tráng Việt (Mê Linh - Vĩnh Phúc) đang là tâm điểm chú ý của dư luận những ngày gần đây. Tuy nhiên, câu chuyện “giải cứu” dường như đã trở nên quen thuộc với nông sản Việt.
Với củ cải của người dân Mê Linh, do giá củ cải quá rẻ, chỉ khoảng 500 - 1.000 đồng một kg mà thậm chí còn bị thương nhân từ chối thu mua nên hàng trăm tấn trong số này đã bị người dân nhổ lên vứt bỏ giữa ruộng để chờ tiêu huỷ.
Trước tình trạng này, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên đã tổ chức các điểm tiêu thụ hỗ trợ người dân “giải cứu” củ cải. Công cuộc “giải cứu” càng trở nên cấp bách khi số củ cải này phải được tiêu thụ trong 10-15 ngày tới, nếu không nông dân sẽ “mất trắng”.
Ông Vũ Văn Kỳ - Chủ tịch hợp tác xã tổng hợp Đông Cao (Hà Nội), ước lượng số củ cải bị thiệt hại do không tiêu thụ được từ Tết Nguyên đán đến nay là 2.000 tấn. “Hiện diện tích tồn đọng chưa tiêu thụ được còn 30 ha, tương đương 3.000 tấn, ước tổng thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Cùng khoảng 20 ha đang trồng củ cải ở giai đoạn cây non, 20 ha củ cải đang ra hoa nhưng bị nhổ bỏ”, ông Kỳ cho biết.
Trên thực tế, câu chuyện giải cứu nông sản đã trở thành “đặc sản” riêng của nông nghiệp Việt. Những cuộc “giải cứu” từ Nam ra Bắc ở khắp các chủng loại cây trồng, sản phẩm khác nhau, từ chuối, dưa hấu, thịt lợn,…và nay là mía đường và củ cải. Trong khi đó, thị trường 90 triệu dân lại vẫn chưa thể khai thác hết, những sản phẩm nông sản tới tay người tiêu dùng lại đội giá lên cả chục lần. Đơn cử như lần này, khi người dân Mê Linh nhổ củ cải vứt đi vì giá chỉ 500 đồng/kg thì tại các chợ dân sinh của nội thành thủ đô giá củ cải vẫn 20.000 đồng/kg. Tại sao lại có nghịch lý này?
Trao đổi với DĐDN, chuyên gia Vũ Vinh Phú- Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định, nguyên nhân của những cuộc giải cứu chính là sự thiếu liên kết của người dân, doanh nghiệp để đưa nông sản vào các cửa hàng, siêu thị. Cùng với đó là tính thiếu quy hoạch sản xuất. “Người dân hiện trồng trọt theo phong trào, dẫn tới nguồn cung vượt cầu, thương lái ép giá và người dân trắng tay”, ông Phú nói.
Rõ ràng, khi có sự đứng ra của hệ thống các siêu thị hai ngày gần đây, 300 tấn củ cải đã được các siêu thị, đại siêu thị của Hà Nội tiêu thụ hỗ trợ người dân.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng: “Việt Nam yếu hẳn về kế hoạch, công nghệ dự trữ, chế biến sâu cho nông sản. Nhưng loại hoa quả, rau củ này hoàn toàn có thể chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị cao”.
Theo ông Phú, câu chuyện kêu gọi người dân, doanh nghiệp mua ủng hộ người dân ở mỗi cuộc “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế. Nếu không có tư duy lâu dài thì tình trạng này sẽ vẫn liên tiếp xảy ra.
Do đó, theo ông Phú cần cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân. “Không chỉ là việc “hô hào”, các Viện nghiên cứu, nhà khoa học các Bộ ngành cần định hướng rõ ràng cho người dân loại cây trồng chủ lực, tín hiệu thị trường đang cần mặt hàng nào, số lượng, quy chuẩn chất lượng ra sao, thời điểm cần thiết? Đồng thời quy hoạch, xây dựng vùng trồng hợp lý” - ông Phú nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về một dịp sang Hàn Quốc, ông Phú cho biết, người phụ nữ trồng khoai lang còn biết ngày hôm đó bán khoai ở đâu tốt nhất, giá cao nhất, bởi họ có sàn giao dịch nông sản.
Đặc biệt, theo ông Phú, chúng ta không có công nghiệp chế biến và dự trữ. “Ở Đức, có kho lúa, kho bắp cải…hàng nghìn tấn được chính phủ xây dựng để người nông dân có thể gửi vào đó để bảo quản miễn phí”, ông Phú cho biết, trong khi đó “tại Việt Nam lúa thu hoạch lên để bên vệ ruộng, cá vớt lên mấy tiếng là ươn.Bởi vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn tới vấn đề này".
Cũng theo vị chuyên gia này, không riêng câu chuyện giải cứu củ cải, tất cả các loại nông sản cần được tính toán tới việc xây dựng quy trình bảo quản và chuỗi chế biến. “Thời chúng tôi chắc ai cũng nhớ món cà la thầu su hào đóng hộp của Trung Quốc, giòn ngon vô cùng. Vậy tại sao chúng ta không chế biến những sản phẩm tương tự từ củ cải”, ông Phú đặt vấn đề.
Hơn nữa, tới đây, công cuộc hội nhập khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ tiếp tục gây sức ép lên nông sản Việt. Do đó, ông Phú cho rằng, sức ép này sẽ buộc nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết tạo chuỗi sản phẩm chất lượng nêú không muốn thua trên sân nhà.