TP HCM đẩy nhanh dự án chung cư Ngô Gia Tự, yêu cầu hoàn tất kiểm định, lập quy hoạch và xây dựng kế hoạch triển khai đúng tiến độ.
Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ dự án xây dựng mới cụm chung cư Ngô Gia Tự, quận 10.
Với dự án này, Chủ tịch UBND TP HCM giao giám đốc Sở Xây dựng khẩn trương hoàn tất công tác kiểm định chất lượng chung cư trong tháng 6/2025.
Đồng thời nghiên cứu các quy định pháp luật và kinh nghiệm của một số địa phương để hướng dẫn UBND quận 10 lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng các nhiệm vụ, chỉ tiêu quy hoạch cụ thể và mời gọi nhà đầu tư có kinh nghiệm nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Thực hiện trước ngày 28/2.
Trên cơ sở đó, chính quyền UBND quận 10 chịu trách nhiệm triển khai hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân tại dự án. Đồng thời, trước 25/2, cơ quan này phải công bố dự thảo kế hoạch chi tiết thực hiện dự án, trong đó xác định rõ thời gian khởi công xây dựng mới.
Được biết, chung cư Ngô Gia Tự được xây từ năm 1968, bao gồm 17 lô chung cư và 2 lô đã giải tỏa. Mỗi chung cư có thiết kế 3 tầng lầu và 1 tầng trệt, hiện xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Dự án chỉnh trang cụm chung cư Ngô Gia Tự đã được UBND quận 10 đưa vào kế hoạch nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn chưa được thực hiện do ngân sách hạn hẹp nên chủ trương hiện tại là mời gọi nhà đầu tư để huy động vốn từ doanh nghiệp.
Có thể thấy, trên địa bàn TP HCM vẫn tồn tại những căn chung cư “già nua” hàng trăm năm tuổi với tình trạng xuống cấp trầm trọng. Một số chung cư cũ nằm trong kế hoạch cải tạo, sửa chữa lại nhưng gặp nhiều vướng mắc khiến tiến độ xây dựng chung cư cũ hết sức chậm trễ.
Từ năm 2016 đến nay, công tác tháo dỡ, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn mới chỉ dừng ở việc di dời, tạm cư cho người dân đối với những căn bị hư hỏng nặng. Trong khi đó, số lượng chung cư được tiến hành xây mới lại rất ít.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP HCM hiện có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm), 116 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B và 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích. Trong đó, 4/14 chung cư bị hư hỏng nặng được tháo dỡ hoàn toàn và 6 chung cư xuống cấp đã được tháo dỡ nhưng không thuộc loại bị hư hỏng nặng.
Theo đó, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư xây trước năm 1975 đã xuống cấp. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này không hề dễ dàng nếu chỉ có sự nỗ lực của chính quyền thành phố. Hiện nay, khi các cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư vẫn chưa đủ hấp dẫn, khiến nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia. Cùng với đó là những khó khăn trong công tác vận động và di dời cư dân.
Lý giải nguyên nhân khiến cải tạo chung cư cũ còn chậm, bà Tô Thị Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã từng chia sẻ rằng, việc cải tạo chung cư cũ thậm chí còn khó hơn phát triển nhà ở xã hội. Bởi lẽ, hàng ngàn, hàng vạn người dân đã sống nhiều năm tại chung cư cũ đó buộc phải chuyển đi để giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, còn phải xây dựng một cơ chế như thế nào để người dân đồng thuận di dân.
Một trong những nút thắt lớn khi triển khai cải tạo chung cư cũ là người dân luôn mong muốn một hệ số đền bù cao thì mới đồng thuận di dời. Còn doanh nghiệp cần xây dựng một cơ chế để giải quyết thu hồi nguồn vốn, lợi ích hài hoà thì lại vướng mắc quy hoạch dẫn đến hạn chế phát triển.
"Doanh nghiệp không được thoải mái xây dựng, không được đưa cư dân mới vào ở sau khi dự án được cải tạo. Như vậy, doanh nghiệp không thể đủ chi phí vốn để cải tạo. Hai nút thắt này khiến doanh nghiệp không thể cân đối trong việc thu hồi vốn, trong khi Nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong điều tiết những vấn đề này", bà Tô Thị Hạnh nhận định.