Những quy định mới có tính đột phá được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội còn ì ạch bấy lâu nay.
Với sự nỗ lực trong công tác cải tạo chung cư cũ của lãnh đạo thành phố gần đây, các chính sách mới được ban hành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ thực hiện trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy, Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960 - 1990, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là nhiệm vụ Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.
Hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết là một trong những điều kiện tiên quyết, tạo cơ sở quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn chính là tốc độ phần việc này tại Hà Nội đang chậm so với kế hoạch.
Trước tình trạng đó, Sở QH - KT đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận có nhà chung cư cũ theo tiến độ giai đoạn 1 nghiên cứu lập đề án quy gom tái định cư khi xây dựng lại nhà chung cư cũ; xác định phạm vi ranh giới nhà chung cư cũ, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết...
Nhờ đó, việc uy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Theo quyết định, thời gian hoàn thành lập đồ án quy hoạt chi tiết tỉ lệ 1/500 là 6 tháng kể từ ngày phê duyệt. Đây được xem là khu chung cư cũ đầu tiên trên địa bàn được lập quy hoạch cụ thể, tạo tiền đề để triển khai công tác cải tạo trên diện rộng.
Qua khảo sát của PV, Khu tập thể Nghĩa Tân được xây dựng từ năm 1987 với 29 tòa chung cư cao 3 - 5 tầng, hiện đang đối mặt với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hộ dân tự cơi nới thêm “chuồng cọp” để tăng diện tích, gây mất an toàn và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, hạ tầng nội khu cũng không còn đáp ứng nhu cầu như về giao thông, hệ thống thoát nước mưa và nước thải còn thiếu đồng bộ, rác thải tập kết phân tán…
Bên cạnh những nỗ lực từ địa phương, nhiều chính sách mới trong Luật Nhà ở 2023 và Luật Thủ đô 2024 cũng được các chuyên gia đánh giá sẽ sẽ là lời giải cho “bài toán” cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội trong thời gian tới.
Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô năm 2024 có quy định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án theo pháp luật về nhà ở thì UBND TP sẽ thu hồi đất nhà chung cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có từ 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi dự án đồng thuận.
Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục được phân chia và chi trả cho từng chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất. Với nhiều quy định mới vừa được ban hành có tác dụng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cũng như với quyết tâm cao, hi vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Hà Nội đã triển khai thí điểm việc cải tạo chung cư cũ từ năm 2000, tức cách đây hơn 30 năm. Khi đó thí điểm 4 khu, trong đó có thí điểm khu tập thể ở Kim Liên và đã xây dựng, cải tạo lại được. Tiếp đó là thí điểm khu nhà ở Giảng Võ và khu tập thể ở Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên trong quá trình thí điểm vẫn còn nhiều vướng mắc.
“Trước đây, thành phố là cơ quan quản lý các quận, huyện, vì vậy, đầu tiên phải xác định trách nhiệm của các quận, huyện theo phân cấp, phân quyền, từ đó mới đẩy mạnh việc cải tạo. Trong Luật thủ đô 2024 đã thông qua hồi tháng 6 vừa rồi có một điều về chính sách cải tạo chung cư cũ. Thành phố cần gấp rút cụ thể hóa chính sách này bằng văn bản pháp lý chi tiết do Hội đồng nhân dân đề ra. Đây là việc cần phải làm gấp vì 1/1/2025 đã bắt đầu có hiệu lực.
Bên cạnh Luật Thủ đô có hiệu lực thì chúng ta đang làm quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 và quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045. Việc cải tạo chung cư đều theo quy hoạch và giao trách nhiệm đặc thù và thẩm quyền cho Hà Nội”, ông Nghiêm chia sẻ. Ngoài ra, cần thúc đẩy các quận, huyện và phải có tập huấn, hướng dẫn để họ sớm hoàn thành quy hoạch chung cư, quy hoạch xong thì mới kêu gọi đầu tư được.
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, doanh nghiệp thường e ngại tham gia cải tạo chung cư cũ do rủi ro cao và lợi nhuận không nhiều, đặc biệt là việc đòi hỏi 100% cư dân đồng thuận là khó khả thi.
“Để khơi thông được điểm nghẽn thì cơ chế để cải tạo chung cư cũ phải có sự đổi mới chứ không nên áp dụng những điều kiện mà chỉ nhìn vào đã thấy là bất khả thi; Cần thay đổi phương án đồng thuận để cải tạo chung cư cũ. Đây là bài toán còn rất nan giải và độ rủi ro cực kỳ lớn, không thu hút được các nhà đầu tư bất động sản vào cuộc”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Quốc hội khóa 15 vừa qua đã thông qua Luật Thủ đô. Theo quy định của luật, Hà Nội sẽ thực hiện cải tạo chung cư cũ theo từng khu. Với các nhà chung cư cũ nhỏ lẻ, chủ đầu tư thực hiện cải tạo được quy gom trong quá trình cải tạo, xây dựng mới.