Cơ chế kinh tế thay đổi kéo theo hàng loạt sự thay đổi, trong đó một số loại hàng hóa đặc biệt như báo chí bắt đầu được thương mại hóa.
Vấn đề quan trọng là đừng để thương mại hóa làm tổn hại đến tính chính xác, công bằng hay độc lập của cơ quan báo chí.
BuzzFeed, một công ty báo chí có trụ sở tại Mỹ, mới thành lập năm 2006, nhưng tạo ra 362 triệu USD doanh thu sau 14 năm hoạt động. Điều này đã gây choáng váng với nhiều tờ báo có tuổi đời hàng trăm năm.
Thoạt đầu, BuzzFeed tập trung phát triển nội dung, với hàng nghìn “phóng viên”. Khi đạt đến độ phủ sóng đủ lớn, công ty này bắt đầu chiến lược kiếm tiền từ tài nguyên số đã xây dựng. BuzzFeed không tính phí nhà quảng cáo trên cơ sở mỗi bài đăng, mà tính phí trên số lần hiển thị, đặc biệt với các vị trí trên trang chủ.
Công ty này quyến rũ khách hàng đặt quảng cáo thông qua dữ liệu người dùng thu thập được; đồng thời còn sử dụng dữ liệu lập ra sàn giao dịch thương mại điện tử và nhiều lĩnh vực khác.
Mô hình B2C trong kinh tế báo chí quốc tế đang phát triển khá ấn tượng. Theo đó, cơ quan báo chí có thể xuất bản các nội dung thu phí hoặc thu phí thành viên; huy động vốn từ cộng đồng để sản xuất nội dung; bán lẻ các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử.
Tờ báo kinh tế, tài chính Bloomberg đưa ra gói thuê bao 34USD/tháng. Tờ Financial Times và The Wall Street Journal cũng rất thành công với hình thức thương mại online sản phẩm của mình.
[ Báo chí khó cạnh tranh sòng phẳng với BigTech về quảng cáo internet vì hiện có tới 80% phương thức marketing này bị thâu tóm bởi các BigTech. ]
Báo chí khó cạnh tranh sòng phẳng với BigTech về quảng cáo internet, hiện có tới khoảng 80% phương thức marketing này bị thâu tóm bởi Google, Facebook, Youtube.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, báo chí phải quay về sống với những gì mình có, nghĩa là tự tạo ra lợi nhuận dựa vào nội dung đã và đang phát triển hàng giờ, hàng ngày. Thu phí độc giả trên từng nội dung bắt đầu xuất hiện rải rác ở Việt Nam. Hai phương thức đơn giản nhất đang được áp dụng: (1) Bức tường phí “cứng”, chỉ hiển thị tiêu đề nội dung, hoặc bản mô tả ngắn, muốn xem hết phải trả phí qua “cửa sổ” trên trang; (2) Bức tường phí “mềm” cho phép xem nội dung một thời gian nhất định trước khi thu phí.
>> Nhìn lại vụ bê bối Wirecard: Vai trò của báo chí và kiểm toán
Tuy nhiên, mô hình thu phí báo chí ở Việt Nam chưa mấy phát triển, còn nhiều thách thức, nhất là hành lang pháp lý kinh tế số. Bên cạnh đó, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ ở nước ta diễn ra với tần suất và mật độ cao hơn mặt bằng chung toàn cầu, cũng cản trở hoạt động báo chí phát triển mạnh, cũng như thuê bao báo chí. Ngoài ra, sự cạnh tranh có thiên hướng bất công bằng giữa báo chí chính thống và mạng xã hội cũng cản trở hoạt động này.
Mô hình thu phí báo chí ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu và còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có thêm thời gian để hình thức này trở nên phổ biến hơn, dù rằng đây là xu hướng rất thịnh hành trong làng báo chí thế giới.
Các mô hình kinh doanh mớiTrong kỷ nguyên số, không ít cơ quan báo chí chịu áp lực sức ép sụt giảm doanh thu, buộc phải cải tiến các mô hình kinh doanh. Có nhiều mô hình kinh doanh báo chí, nhưng theo các chuyên gia báo chí, có một số mô hình kinh doanh báo chí sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới. Trước tiên phải kể tới mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), theo đó, các cơ quan báo chí có thể xuất bản nhờ vào nguồn thu quảng cáo; hoạt động như doanh nghiệp dịch vụ truyền thông quảng cáo; Làm trung gian thu thập dữ liệu cho chiến dịch marketing của các doanh nghiệp. Tiêu biểu cho mô hình này BuzzFeed ở New York, Mỹ, Tiếp theo đó phải kể đến mô hình doanh nghiệp với khách hàng (B2C). Với mô hình B2C, cơ quan báo chí có thể sản xuất nội dung thu phí hoặc thu phí thành viên; huy động vốn từ cộng đồng để sản xuất nội dung; thương mại hóa các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử. Ngoài ra, mô hình bức tường phí được kỳ vọng sẽ “nở rộ” trên thế giới và manh nha phát triển ở Việt Nam. Trong đó, mô hình bức tường phí cứng yêu cầu độc giả phải đăng nhập và trả tiền trước khi tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, mô hình này sẽ là bước đi mạo hiểm nếu cơ quan báo chí chưa có lượng độc giả trung thành lớn. Trong khi đó, mô hình bức tường phí hỗn hợp là sự kết hợp giữa miễn phí và trả phí. Theo đó, tòa soạn miễn phí một số bài viết để thu hút độc giả, sau đó thu phí bạn đọc. Nếu độc giả muốn tiếp cận đầy đủ các bài viết, thì phải trả thêm một khoản phí để nâng cấp gói sản phẩm. Hiện nay, chưa thực sự có cơ quan báo chí nào ở Việt Nam áp dụng thành công thu phí bạn đọc, mà mới chỉ thử nghiệm, như Vietnamplus, Vietnamnet… Các chuyên gia cho rằng, đây là xu thế tất yếu nên các cơ quan báo chí cần nghiên cứu lộ trình triển khai. Có thể bạn quan tâm |