Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tỉnh Nam Định đã ra quân sản xuất, mang đến niềm tin, cho một năm kinh doanh thắng lợi, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
>>>Doanh nghiệp Nam Định sẻ chia những món quà ấm nghĩa tình
Ngay từ những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã phấn khởi mở máy, nỗ lực tăng tốc, quyết tâm hướng đến mục tiêu bứt phá, phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Dương cho biết, ngay ngày làm việc đầu xuân toàn thể cán bộ, công nhân viên của Công ty đã rộn ràng cho ca sản xuất đầu xuân. Hiện, các sản phẩm của Công ty đều đã có chỗ đứng vững tại thị trường trong nước. Gần đây, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Công ty đã tham gia Chương trình thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước Liên minh Thái Bình Dương gồm Pháp, Colombia, Chile; chuỗi sự kiện kết nối cung ứng hàng hoá Quốc tế - Việt Nam International Sourcing 2023; Hội chợ thương mại quốc tế.
Tại thị trường các nước đã xúc tiến thương mại, các sản phẩm ngô sấy, mít sấy, chuối sấy, kẹo sìu châu của Công ty được rất nhiều khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì.
Theo ông Thủy, năm 2024, Công ty đặt mục tiêu khai thác mạnh thị trường khu vực châu Á, trong đó quyết tâm đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Để đạt mục tiêu đề ra, Công ty tiếp tục kiên định phương châm lấy người tiêu dùng làm trọng tâm; duy trì sản xuất theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO và HACCP; đồng thời không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến theo hướng “xanh hoá” để đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, đa dạng của thị trường lớn trên thế giới.
Theo đại diện của Công ty Cổ phần May Sông Hồng, năm 2023 cán bộ, công nhân của Công ty đã trải qua một năm lao động vất vả do ngành dệt may phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, hơn 10 nghìn công nhân của May Sông Hồng làm việc tại 8 nhà máy trên địa bàn tỉnh đều bắt tay vào sản xuất các đơn hàng đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 với tinh thần nỗ lực lao động hăng say, quyết tâm hoàn thành và vượt tiến độ sản xuất mà ban lãnh đạo Công ty đã giao. Theo đại diện Công ty, các đơn hàng của Công ty bắt đầu quay trở lại từ quý IV-2023.
Bên cạnh đó, theo nhận định thị trường của các chuyên gia đầu ngành, năm 2024 sẽ là năm phục hồi trở lại của ngành dệt may Việt Nam. Để vượt qua giai đoạn thách thức này, Công ty tiếp tục xây dựng lòng tin và quan hệ bạn hàng vững chắc hơn với các đối tác hiện tại; tập trung vào các đối tác tiêu dùng các sản phẩm may mặc thời trang xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Canada, Mexico và các nước Trung Đông; các đối tác sử dụng sản phẩm chăn, ga, gối, đệm bao gồm người dân và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các cơ quan, tổ chức trong nước. Công ty cũng sẽ linh hoạt tìm kiếm cơ hội mới trên thị trường, để khi thị trường thuận lợi sẽ khai thác hết công suất các nhà máy nhằm nâng cao công suất sản xuất với tổng quy mô 15 nghìn nhân công, đạt 6.500-7.000 tỷ đồng doanh thu và trên 300 triệu USD xuất khẩu/năm.
Trong đó có Nhà máy May Xuân Trường đã khởi công xây dựng từ cuối năm 2023, dự kiến sẽ đưa hoạt động trong năm 2024 với năng lực sản xuất tối đa là 50 chuyền may, công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm áo jacket quy chuẩn/năm, quy mô khoảng 3.000 lao động. Nhà máy May Sông Hồng 10 (bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2022) có tổng công suất 40 chuyền may, quy mô 3.000 lao động hiện mới khai thác 50% công suất thiết kế.
Những ngày đầu năm mới, không khí làm việc tại các phòng ban, phân xưởng sản xuất của Công ty Dệt may càng thêm phần khẩn trương, nhộn nhịp. Kế hoạch năm cũ đã được hoàn thành xuất sắc, song mỗi đoàn viên, người lao động ở đây vẫn hăng say làm việc, bởi với họ, thi đua để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cũng chính là góp phần để đời sống của mỗi người lao động được nâng cao.
Chủ tịch Nguyễn Minh Sơn cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2023 đã khởi sắc hơn. Theo đó, năm 2022, tỉ lệ sản lượng bán hàng tăng 22%; lợi nhuận tăng trưởng khoảng 16%. Theo ông Sơn, để có được kết quả như trên là sự cố gắng của toàn bộ đoàn viên, người lao động trong Công ty.
Theo Cục Thống kê tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm 2024, khí thế thi đua lao động sản xuất trong nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra sôi nổi.
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp của tỉnh cũng cho thấy sẽ tiếp tục làm tốt vai trò là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh do đã ngày càng chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất.
Không chỉ có các doanh nghiệp cũ, nhóm doanh nghiệp đầu tư mới đang tiến hành xây dựng nhà xưởng như là các doanh nghiệp nước ngoài với các dự án quy mô lớn gồm: Tập đoàn Quanta Computer Inc. (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao... đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm bảo đảm đưa nhà máy vào sản xuất trong năm 2024 như đã cam kết, góp phần nâng nhanh mức tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm