3 trên 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có trị giá lớn trong tháng 4/2024 là thuộc về các ngân hàng. Phần còn lại thuộc về doanh nghiệp bất động sản.
>>>Doanh nghiệp còn khó, nhiều TCTD tăng trưởng dư nợ cao
Cụ thể, các đợt trái phiếu có giá trị phát hành lớn bao gồm đến từ các ngân hàng bao gồm:
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3 nghìn tỷ VND, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2,8 nghìn tỷ VND, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2 nghìn tỷ VND, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2% đến 6,8%.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành 2 lô trái phiếu tổng giá trị 4 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12,5%. Cùng với đó, CTPC Vinhomes (VHM) phát hành 1 lô trái phiếu giá trị 2 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12%.
Theo đó, tính riêng trong tháng 4, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ghi nhận giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm. Đến ngày 02/05/2024, trong tháng 4 thị trường đón nhận 13 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 13,9 nghìn tỷ VND, tăng 29,1% so với tháng trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nhóm ngành dất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. 2 ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4.
>>>Áp lực tất toán trái phiếu doanh nghiệp
Còn nếu nhìn từ đầu năm đến nay, bất động sản và ngân hàng cũng là 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành mới.
Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu giá trị phát hành với khoảng 16,4 nghìn tỷ, (giảm 32% svck năm ngoái) chiếm tỷ trọng 45%, lãi suất bình quân gia quyền là 12,3%/năm, kỳ hạn bình quân 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (6 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup – CTCP (6 nghìn tỷ đồng), CT TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng).
Xếp sau là nhóm ngành ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt 9,4 nghìn tỷ đồng (năm 2023 giá trị phát hành là 400 tỷ đồng), tỷ trọng 25%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 5,7 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (3 nghìn tỷ đồng), NH TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (3 nghìn tỷ đồng) và NH TMCP Quân Đội (2,6 nghìn tỷ đồng).
Sự tăng tốc trở lại phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đặc biệt trong tháng 4 được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4. FiinRatings lý giải đây là kết quả của việc NHNN liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong quý 1/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).
"Các ngân hàng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt đồng thời để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong năm nay", theo FiinRatings.
Yếu tố cân đối vốn và thậm chí cơ cấu lại nguồn vốn với giá rẻ của các ngân hàng song song đó cũng thể hiện rất rõ qua hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, lãi suất phát hành mới có mặt bằng thấp hơn hẳn so với lãi suất trái phiếu của các đợt đã phát hành trước.
Thống kê của FiinRatings ghi nhận các tổ chức tín dụng chiếm vị trí chủ đạo trong hoạt động mua lại trái phiếu tháng 4, chiếm tới 95% trong tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước đáo hạn đạt 10,4 nghìn tỷ VND (tăng 7,2% so với tháng 3 và tương đương 70,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) là các bên đang tăng cường thực hiện hoạt động này. Đây cũng chính là các ngân hàng đã phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 4 như đã đề cập ở trên. "Việc mua lại trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm sau và phát hành trái phiếu mới giúp ngân hàng cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn, đặc biệt là vốn cấp 2 được tính vào tỷ lệ an toàn vốn (đối với ngân hàng MBB phát hành trái phiếu mới kỳ hạn 5 năm trở lên)", FiinRatings cho biết.
So sánh với lãi suất tiết kiệm 12 tháng mà các ngân hàng thương mại đang huy động trên thị trường 1 với khoảng 6% (theo mặt bằng trung bình chung cả hệ thống), rõ ràng lãi suất trái phiếu với kỳ hạn dài hơn đang được xem là kênh chi phí vốn rẻ và ổn định dài hơn hơn, đặc biệt khi thị trường cũng đang ghi nhận xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở nhiều TCTD. Đồng thời, nhiều định chế dự báo mặt bằng lãi suất tiết kiệm có thể điều chỉnh tăng từ 50-150 điểm cơ bản đến cuối năm nay.
Theo công bố, một số ngân hàng có các đợt phát hành trái phiếu đáng chú ý trong năm 2024 là:
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu "3 không": không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trong tháng 4 cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2024. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành 20 đợt với tổng lượng phát hành 35.000 tỷ đồng, mục đích phát hành để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, một số đợt phát hành đáng chú ý sau ngày 2/5 ở nhóm bất động sản thuộc Vingroup, Vinhomes và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG). Trong đó, DIC Corp dự kiến huy động tổng cộng 2.100 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong năm nay để triển khai loạt dự án trọng điểm. Riêng quý I, đã huy động được 1.600 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bất động sản "èo uột" phát hành trái phiếu
03:00, 29/04/2024
Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lần thứ 3?
03:30, 26/04/2024
Trung Quốc tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ
05:02, 21/04/2024
TP.HCM: Huy động kiều hối qua kênh phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị
17:00, 23/04/2024
“Điểm sáng” trái phiếu doanh nghiệp
03:15, 19/04/2024
Lãi suất, tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
05:10, 11/04/2024