Hà Tĩnh: OCOP hai gam màu tương phản

NGỌC THÁI - CAO SƠN 16/08/2022 16:32

Song song với với các biện pháp hỗ trợ, cơ quan chức năng cũng coi trọng việc kiểm tra, xử lý kiên quyết các cơ sở sản xuất không tuân thủ nguyên tắc.

Hà Tĩnh siết số lượng để nâng chất sản phẩm OCOP

Hà Tĩnh siết số lượng để nâng chất sản phẩm OCOP

Sẵn sàng thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP khi chủ thể không thực hiện đúng cam kết làm ảnh hưởng chất lượng. Cùng với đó, Hà Tĩnh cũng đặt ra kế hoạch hàng năm nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo tiến độ và chất lượng góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

Nước mắm Ánh Hồng của HTX Dịch vụ và Chế biến thuỷ hải sản Ánh Dương (huyện huyện Lộc Hà) là sản phẩm nổi tiếng đã được xuất khẩu sang các nước: Lào, Campuchia và Thái Lan. Thế nhưng, sau 2 năm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nước mắm Ánh Hồng đã bị “tước” danh hiệu.

Được biết, lý do sản phẩm này bị thu hồi danh hiệu là do qua kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang tạm ngừng hoạt động, không sản xuất sản phẩm nước mắm Ánh Hồng theo đúng chất lượng, mẫu mã đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, không giữ vững được uy tín, chất lượng nên đã bị thu hồi giấy chứng nhận OCOP.

Một cán bộ của HTX Dịch vụ và Chế biến thuỷ hải sản Ánh Dương cho biết, sau dịch bệnh COVID-19, đơn vị khó tiếp cận được nguồn vốn và đã bị huỷ các đơn hàng lớn. Nguồn hàng sản xuất khó tiêu thụ nên đơn vị phải chấp nhận bị thu hồi danh hiệu sản phẩm OCOP.

Còn sản phẩm gạo Cẩm Thành của Hợp tác xã Tiêu thụ công nghiệp và dịch vụ thương mại Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh nhiều năm. Sau khi được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đơn vị này cũng không giữ được chất lượng sản phẩm.

Qua tìm hiểu được biết, HTX đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất đã công bố, sản xuất sản phẩm gạo Cẩm Thành không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất lúa cho vùng nguyên liệu; các cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào cũng chưa đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Nhâm, Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp và Dịch vụ thương mại Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Chúng tôi đã rút ra bài học của vấn đề này là vai trò của người điều hành và chất lượng sản phẩm của mình không đáp ứng được với thị trường”.

Đó là 2 trong số 5 sản phẩm vừa qua đã bị UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định số 3761. Ngoài 2 sản phẩm trên, còn có 3 sản phẩm khác khác gồm: ruốc kem Lương Tuyết, xúc xích Hoàng Phát và cam Nhật Quang. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao các cơ quan chức năng công bố công khai các sản phẩm đã thu hồi chứng nhận.   

Việc thu hồi các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ góp phần nâng cao tinh thần tự giác, chủ động, có trách nhiệm của các doanh nghiệp, HTX, cá nhân và bảo đảm chất lượng, nâng cao thương hiệu các sản phẩm OCOP của địa phương.

Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Chi Cục trưởng Chi Cục PTNT Hà Tĩnh thì việc thu hồi là cần thiết để các cơ sở sản xuất phải đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã cam kết, để đưa sản phẩm tốt ra với thị trường. Ở đây còn đảm bảo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh.

Bưởi Phúc Trạch, một trong những đặc phẩm của Hà Tĩnh

Bưởi Phúc Trạch, một trong những đặc phẩm của Hà Tĩnh

Hiện nay, Hà Tĩnh có 249 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong năm vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, OCOP trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn có bước tiến khả quan, nhiều HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tích cực đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường. Năm 2021, Hà Tĩnh đã có thêm 95 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao. Trong đó, có 7 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao.

Trong phát triển sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh, song song với với các biện pháp hỗ trợ, cơ quan chức năng cũng coi trọng việc kiểm tra, xử lý kiên quyết các cơ sở sản xuất vi phạm, thậm chí thu hồi chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giữ được niềm tin của người tiêu dùng.

Tháng 4 năm nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Kế hoạch số 107/KH-UBND nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh và BCĐ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo Kế hoạch trên, mỗi năm toàn tỉnh có tối thiểu 50 sản phẩm và dịch vụ đạt chuẩn OCOP; tập trung nâng hạng các sản phẩm, phấn đấu có tối thiểu 10 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và có sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Nâng cao năng lực cho tối thiểu 30 tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hiện có để thực hiện Chương trình OCOP; phát triển mới tối thiểu 10 tổ chức tham gia OCOP.

Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP có doanh số bán hàng bình quân tăng tối thiểu 20%; phát triển mới 3 đến 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm; tìm kiếm thị trường mới, tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại do Trung ương và các tỉnh thành tổ chức; tổ chức kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh vào hệ thống kênh phân phối lớn, sàn thương mại điện tử.

Cùng lúc, Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi số, phấn đấu có tối thiểu 50% cơ sở tham gia thực hiện chuyển đổi số và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, địa phương này tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ các sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: “Đánh thức” tiềm năng OCOP

    Nghệ An: “Đánh thức” tiềm năng OCOP

    03:48, 16/08/2022

  • OCOP Gia Lai (Bài I): Định hình chuỗi giá trị mới

    OCOP Gia Lai (Bài I): Định hình chuỗi giá trị mới

    05:00, 16/08/2022

  • Hải Phòng: Nhiều giải pháp để sản phẩm OCOP “vươn xa”

    Hải Phòng: Nhiều giải pháp để sản phẩm OCOP “vươn xa”

    00:17, 09/08/2022

  • Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi bò đạt chuẩn OCOP

    Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi bò đạt chuẩn OCOP

    02:09, 29/07/2022

  • Lào Cai: OCOP “đánh thức” tiềm năng nông sản vùng cao

    Lào Cai: OCOP “đánh thức” tiềm năng nông sản vùng cao

    16:11, 28/07/2022

  • Chuyển đổi số, cơ hội để đưa sản phẩm OCOP vươn xa

    Chuyển đổi số, cơ hội để đưa sản phẩm OCOP vươn xa

    00:00, 27/07/2022

  • Hà Nội: Đánh thức tiềm năng sản phẩm OCOP

    Hà Nội: Đánh thức tiềm năng sản phẩm OCOP

    20:57, 23/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Tĩnh: OCOP hai gam màu tương phản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO