Khi những nền kinh tế hàng đầu tăng trưởng chậm lại, cung dầu vượt quá cầu, các chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ về mức 50 USD/thùng.
Khi các nhà buôn hàng đầu và giới chuyên gia thị trường dầu mỏ tụ họp tại tại Hội nghị dầu mỏ châu Á - Thái Bình Dương thường niên Singapore vào tuần trước, giá dầu là chủ đề được quan tâm sâu sắc.
Theo báo cáo tháng 9 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chỉ đạt 800.000 thùng/ngày, thấp nhất kể từ năm 2020. Trung Quốc, một trong những động lực quan trọng nhất của giá dầu đang chững lại về mặt kinh tế, nước này không còn duy trì được nhu cầu dầu mỏ như trước đây.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng như là nước tiêu thụ lớn thứ hai, chiếm 15% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu. Cùng với tình trạng cung vượt cầu, đã đẩy giá dầu thô của Hoa Kỳ xuống mức thấp nhất trong hơn một năm vào đầu tháng này.
Iraq và Kazakhstan, các thành viên chủ chốt của OPEC+ đã sản xuất vượt hạn ngạch hàng tháng theo thỏa thuận của nhóm dầu mỏ. Với tình hình này, giá dầu thấp là chủ đề chính trong hội nghị dầu mỏ lớn nhất châu Á. Câu hỏi không phải là liệu giá dầu có giảm hay không, mà chủ yếu là giá dầu sẽ giảm bao nhiêu trong những năm tới?
Daan Struyven, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs cho rằng, giá dầu thô có thể giảm xuống mức thấp 60 USD/thùng trong vòng hai năm tới, nếu nhu cầu của Trung Quốc vẫn ảm đạm.
Thậm chí, giá dầu Brent có thể giảm sâu về 50 USD/thùng do nghi ngờ về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ. Theo một cuộc khảo sát mới đây, người Mỹ tin rằng nền kinh tế đất nước họ đã rơi vào suy thoái.
Ben Luckock, Giám đốc toàn cầu của nhà giao dịch dầu mỏ khổng lồ Trafigura nhận định: “Tôi nghi ngờ rằng giá dầu có thể giảm xuống 60 USD/thùng. Giá dầu Brent toàn cầu hiện đang giao dịch ở mức 73,09 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas ở mức 70,57 USD/thùng.
Niềm hy vọng duy nhất hiện nay là Ấn Độ, hiện tại là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới với khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 5% lượng tiêu thụ dầu của thế giới. Đây là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đang đặt mục tiêu vượt qua cả Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu của Ấn Độ chỉ bằng 1/3 Trung Quốc. Bà Vandana Hari, nhà sáng lập Vanda Insights đặt câu hỏi: “Vậy liệu có một Trung Quốc khác về mặt tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong thời đại của chúng ta hay không? Bà tự trả lời: Tôi không nghĩ vậy!
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ được đánh giá là ổn định, kéo dài đến ít nhất 25 năm tới, nhưng nhịp độ đều đặn, không đạt được quy mô lớn và cường độ mạnh như Trung Quốc. Do đó, khó có khả năng xảy ra thêm cơn khủng hoảng thiếu dầu mỏ nào nữa, trừ khi có xung đột vũ trang diện rộng ở Trung Đông.