Sự kết hợp của các lệnh trừng phạt và chiến tranh thương mại báo hiệu tương lai hỗn loạn của thị trường dầu mỏ. Điều này ảnh hưởng lớn đến châu Á.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã có một khởi đầu đầy biến động khi bước vào năm 2025. Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga, các dấu hiệu căng thẳng thương mại với Canada và Mexico, và cuộc chiến thuế quan mới với Trung Quốc đã làm rung chuyển các thị trường vốn đang bị tổn thất vì các cuộc xung đột địa chính trị trong những năm gần đây.
Mặc dù thuế nhập khẩu của chính quyền Trump lần lượt là 10% và 25% đối với dầu nhập khẩu của Canada và Mexico đã bị đình chỉ trong vòng 48 giờ sau khi được công bố nhưng đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.
Giới quan sát nhận định, nếu các thỏa thuận gặp trục trặc vì bất kỳ lý do nào trong vài tuần tới, các bên liên quan trong thị trường dầu mỏ có thể một lần nữa phải đối mặt với thách thức trong việc đánh giá tác động đến nguồn cung dầu thô từ Canada và Mexico, cùng với vô số hệ lụy tiềm tàng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Canada và Mexico lần lượt sản xuất trung bình 5 triệu thùng và 1,76 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2024, chiếm chưa đến 7% nguồn cung toàn cầu. Nếu một hoặc cả hai nước rơi vào cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ, thị trường toàn cầu có thể mất ít nhất một phần nguồn cung từ họ trong một khoảng thời gian không xác định.
Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang của ông Trump với Trung Quốc cũng tác động tới nhu cầu dầu mỏ cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau khi Mỹ áp thuế 10% đối với tất cả hàng hoá từ Trung Quốc, quốc gia này đã trả đũa bằng cách áp thuế 10% đối với dầu thô nhập khẩu từ Mỹ, 15% đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá, bắt đầu từ ngày 10/2.
Mặc dù Mỹ chỉ chiếm chưa đến 2% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng các lô hàng của nước này chiếm 5,4% tổng lượng LNG nhập khẩu của gã khổng lồ châu Á vào năm 2024. Điều quan trọng là những động thái này có thể đe dọa đến tính khả thi của các dự án LNG mới đang được xây dựng và lên kế hoạch tại Mỹ, cần có cam kết dài hạn từ những người mua Trung Quốc.
Những khách hàng nhạy cảm về giá trên khắp châu Á đã háo hức chờ đợi việc mở rộng công suất LNG của Mỹ để có thể đảm bảo nhu cầu khí đốt ngày càng tăng với mức giá phải chăng.
Trong các cuộc đàm phán nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và Liên minh châu Âu, Mỹ có thể yêu cầu họ mua nhiều dầu và LNG hơn, cùng với các sản phẩm khác.
Theo bà Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, công ty chuyên cung cấp thông tin thị trường năng lượng toàn cầu có trụ sở tại Singapore, nếu được thông qua, điều này có thể kích hoạt một chuỗi tái cấu trúc dòng chảy dầu khí trên toàn cầu, một quá trình cần thời gian và có thể gây ra những bất ổn thị trường tương tự như tác động của các lệnh trừng phạt và thuế quan.
Iran, một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, cũng nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trump. Đạo luật "Ngừng che giấu dầu Iran" của Mỹ được ban hành vào năm ngoái để đe dọa trừng phạt các cảng, thương nhân, nhà máy lọc dầu và công ty vận chuyển trên toàn thế giới có giao dịch dầu mỏ Iran, được cho là một công cụ mới mạnh mẽ để chính quyền Trump ngăn chặn nguồn cung từ quốc gia này.
Trong khi Trung Quốc có thể tìm được dầu thay thế từ các nhà sản xuất khác, việc cắt giảm xuất khẩu của Iran sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu, đẩy giá dầu thô lên cao. Sự không chắc chắn về cách Iran phản ứng trước áp lực của Mỹ và nguy cơ căng thẳng ở Trung Đông gia tăng trở lại, có thể thổi phồng lo ngại về nguồn cung dầu và gây ra sự biến động lớn về giá cả.
Mặt khác, tác động từ các lệnh trừng phạt mới sâu rộng của Mỹ đối với dầu mỏ Nga vẫn đang lan rộng trên thị trường dầu mỏ và vận tải biển. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ đang chật vật tìm nguồn thay thế cho một phần dầu thô nhập khẩu từ Nga nhưng vẫn chưa chắc chắn về kế hoạch dài hạn sau vài tháng tới.
Bà Hari cho rằng: "Những lệnh trừng phạt này có thể được dỡ bỏ hoặc nới lỏng nếu Mỹ có thể làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình với Nga về Ukraine, một ưu tiên cấp bách mà Tổng thống Trump đã nhấn mạnh".
Các chuyên gia nhận định, danh sách dài các căng thẳng địa chính trị tác động đến dầu mỏ không dừng lại ở đó. Chính quyền Trump cho đến nay vẫn im lặng về Venezuela, nhưng không công nhận chính phủ của ông Nicolas Maduro. Sự trở lại của các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với quốc gia Nam Mỹ sản xuất gần 900.000 thùng dầu thô/ngày có thể làm tăng thêm tình trạng bất ổn về nguồn cung.
Về phía cầu, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nguy cơ trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế của gã khổng lồ châu Á và nhu cầu dầu mỏ vốn đã trì trệ của nước này.
Sự thiếu rõ ràng về mức độ suy giảm nhu cầu tại nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy các nhà sản xuất thuộc OPEC và ngoài OPEC kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng sâu hơn so với kế hoạch ban đầu nhằm bảo vệ thị trường.
Đây là lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế lớn khác phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ ở châu Á vốn hy vọng có được sự bình yên và ổn định trong năm mới. Sự biến động trong vài tuần đầu tiên của năm 2025 là trạng thái "bình thường mới", không phải là bất thường.
Trong khi các nhà máy lọc dầu và các bên tham gia thị trường tuyến đầu phải tiếp tục thích nghi với những cú sốc, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng chiến lược cho một kỷ nguyên mà năng lượng ngày càng bị vũ khí hóa, chủ nghĩa tài nguyên gia tăng và chuỗi cung ứng dầu liên tục bị tái cấu trúc một cách đột ngột và thường xuyên.
Chuyên gia Hari của Vanda Insights cho rằng, đã đến lúc các quốc gia củng cố năng lực sản xuất trong nước về nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới khác. Một nguồn dự trữ dầu chiến lược quốc gia vững chắc là rất quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu hơn.
Bên cạnh đó, các gã khổng lồ châu Á cần tăng cường mối quan hệ với OPEC+. "Các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông thuộc OPEC sẽ tiếp tục đáp ứng phần lớn nhu cầu dầu thô của châu Á trong nhiều thập kỷ tới và mong muốn được nhìn nhận như những đối tác ổn định, đáng tin cậy toàn cầu", bà Hari lưu ý.