Chuyên đề

Giá dầu biến động và hướng đi của doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam

Diễm Ngọc thực hiện 17/04/2025 04:33

Căng thẳng thương mại toàn cầu và nguồn cung dư thừa khiến giá dầu thế giới giảm mạnh, đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp Việt Nam về sử dụng công cụ phái sinh để ứng phó biến động...

Đó là khuyến nghị của ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Quang MXV
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

- Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang và các chính sách thuế quan ngày càng siết chặt, ông đánh giá thế nào về nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây?

Tôi cho rằng tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng trong thời gian gần đây đã kéo giá dầu đi xuống. Hàng rào thuế quan mà Nhà Trắng dựng lên cũng như phản ứng mạnh từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc hay Liên minh Châu Âu (EU) đã khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng về viễn cảnh giảm phát kinh tế toàn cầu.

Cho tới nay, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu luôn có sự tương quan cùng chiều. Cho nên, lo ngại về giảm phát kinh tế cũng kéo theo đó là lo ngại về nhu cầu dầu do sự đi xuống của các hoạt động kinh tế, từ đó gây sức ép lớn lên giá dầu.

Điều này đặc biệt quan trọng khi xét sự leo thang căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đồng thời là hai nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với ảnh hưởng lớn tới giá dầu. Vì thế, những ảnh hưởng tiêu cực đến hai nền kinh tế này cũng có tác động tương tự lên nhu cầu dầu thế giới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ thì giá dầu đã có một tuần giảm sốc tới hơn 10%. Đáng chú ý, trước ngày chính sách này có hiệu lực, kết thúc phiên giao dịch (8/4), giá dầu Brent đã giảm 1,39 USD, tương đương 2,16%, xuống mức 62,82 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 1,12 USD, tương đương 1,85%, xuống mức 59,58 USD/thùng – mức thấp nhất trong vòng 4 năm.

Về phía nguồn cung, báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) càng làm thị trường thêm áp lực khi hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ cả trên phạm vi toàn cầu và tại Mỹ, nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ ảnh hưởng của thuế quan. Cá nhân tôi cũng đồng quan điểm rằng nếu cuộc chiến thương mại còn tiếp diễn hoặc càng leo thang, giá dầu sẽ khó tăng trở lại.

Nỗi lo về nhu cầu yếu đi càng trở nên rõ ràng hơn khi Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ngân hàng ANZ cảnh báo nếu tăng trưởng GDP toàn cầu rơi xuống dưới ngưỡng 3%, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể giảm tới 1%, từ đó tạo thêm áp lực lên giá dầu.

Ngoài ra, giá dầu thế giới còn phải chịu sức ép từ nguồn cung dư thừa do kế hoạch tăng sản lượng của nhóm OPEC+ trong tháng 4 và tháng 5. Hiện OPEC+ đang trong quá trình tăng sản lượng trong tháng 4 với mức tăng là 138.000 thùng/ngày. Con số này trong tháng 5 thậm chí còn lên tới 411.000 thùng/ngày. Áp lực từ cả hai đầu cung - cầu đã khiến giá dầu giảm sâu trong 5/7 phiên kể từ ngày 3/4.

- Việc giá dầu thế giới giảm mạnh có ảnh hưởng trực tiếp ra sao đến giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường Việt Nam? Những yếu tố nào khiến giá trong nước không phản ánh ngay lập tức biến động quốc tế?

Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 10/4, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã giảm giá xăng trong nước xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua, trễ hai ngày so với mức về đáy của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, mức giảm cho các mặt hàng, dù tương đối sau, dao động từ 6,6% đến 8,2%, vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức giảm khoảng 17% kể từ ngày 2/4 đối với hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI.

Điều này đang cho thấy sự biến động giá dầu thế giới thời gian qua chưa tác động quá mạnh lên giá xăng dầu trong nước. Dù giá dầu đã có tới 5/7 phiên giao dịch giảm kể từ ngày 3/4 với hai phiên ghi nhận mức lao dốc tới hơn 6%, giá xăng trong nước cũng không có sự thay đổi cho đến tận ngày 10/4. Thời gian trước đó, thời điểm giá dầu thế giới có dấu hiệu nóng lên từ giữa tháng 3 do sự thiếu hụt nguồn cung, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng tăng thấp hơn so với mức tăng của giá dầu quốc tế. Thậm chí trong đợt điều chỉnh ngày 20/3, giá các mặt hàng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh giảm.

Tôi cho rằng cho tới nay, Chính phủ vẫn đang điều tiết thị trường xăng dầu và kiểm soát giá để không phản ứng thái quá trước biến động của giá thế giới là nhờ sử dụng 3 công cụ khá hiệu quả là giá cơ sở, điều chỉnh thuế (giảm thuế khi cần thiết) và sử dụng quỹ bình ổn. Cho nên như tôi đã phân tích ở trên, trong trường hợp giá dầu thế giới giảm bất ngờ, khoảng hai ngày sau giá trong nước mới phản ứng nhưng không quá “gay gắt”.

- Theo ông, trong ngắn hạn và trung hạn, xu hướng giá dầu có thể tiếp tục giảm sâu nữa hay không?

Tôi cho rằng trong ngắn hạn, đà giảm giá dầu sẽ còn tiếp diễn, nhất là tính tới thời điểm này, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Như đã nói trên, Mỹ và Trung Quốc là hai nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, do đó những lo ngại của thị trường về nhu cầu dầu của hai nước sẽ gây áp lực lớn lên giá dầu.

xd.jpeg
Cho tới nay, Chính phủ vẫn đang điều tiết thị trường xăng dầu và kiểm soát giá để không phản ứng thái quá trước biến động của giá thế giới

Một báo cáo nhận được sự chú ý lớn gần đây là báo cáo dự báo giá dầu đến cuối năm của Goldman Sachs vào ngày 7/4. Dự báo này đưa ra nhiều viễn cảnh khác nhau, với dự đoán giá dầu Brent dao động từ khoảng 60 USD/thùng trong viễn cảnh lạc quan nhất cho đến chỉ khoảng 50 USD/thùng trong tình huống xấu nhất. Nhìn chung Goldman Sachs đã phải giảm mức giá dầu mà họ đã dự báo trước đó và giữ sự thận trọng nhất định.

Nhận định này theo tôi hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung và khả năng tăng sản lượng bất thường của nhóm OPEC+. Tuy nhiên, xu hướng giá dầu trong trung hạn hiện vẫn đang rất khó đoán. Mặc cho các biện pháp trả đũa lẫn nhau, cả Mỹ và Trung Quốc đều sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Nếu cả hai nước tiến đến được một thỏa thuận thương mại mới, đi kèm với các động thái hạ nhiệt từ các đối tác lớn khác sẽ giúp hỗ trợ giá dầu hồi phục mạnh.

Giá dầu quá thấp cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu, không chỉ từ OPEC+ mà còn từ cả nguồn dầu đá phiến tại Bắc Mỹ. Các công ty khai thác dầu tại Mỹ đều đang thể hiện sự lo lắng về sự lao dốc của giá dầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến biên lợi nhuận của họ, có thể dẫn đến tình huống khi các công ty này phải cắt giảm sản lượng nhằm tránh các thiệt hại về kinh tế. Tính đến ngày 11/4, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm trong ba tuần liên tiếp, thể hiện rõ sự lo lắng này và là chỉ báo quan trọng cho các dự đoán về nguồn cung dầu đá phiến Bắc Mỹ trong tương lai.

- Vậy Việt Nam nên chuẩn bị ra sao để ứng phó với các kịch bản giá dầu biến động khó lường, thưa ông?

Giá dầu giảm sâu như hiện tại thực chất không phải là một yếu tố tiêu cực với một quốc gia nhập khẩu dầu như Việt Nam. Cơ chế tính giá xăng dầu như đã nói trước đó cũng giúp ổn định giá dầu, khiến những biến động về giá dầu không phản ánh rõ rệt vào giá xăng dầu bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, để hỗ trợ thêm các doanh nghiệp kinh doanh ngành xăng dầu, nhất là về vấn đề biên lợi nhuận của họ, một hệ thống kho dự trữ xăng dầu Quốc gia nên được phát triển sớm.

Một điều chắc chắn mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, giá hàng hóa nói chung và giá dầu thô nói riêng sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới. Cho nên, nhìn từ tính tất yếu của xu hướng giao dịch trong tương lai, chúng tôi đã kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định số 83/2014 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014 theo hướng thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh thông qua Sở Giao dịch hàng hóa ở Việt Nam để bảo hiểm giá khi tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trong bối cảnh giá xăng dầu được dự báo sẽ biến động bất ngờ theo cả hai chiều tăng và giảm do chịu tác động từ bất ổn địa chính trị gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn nguồn cung xăng dầu. Điều này càng khiến cho công tác dự báo, kiểm soát giá và phòng vệ rủi ro về giá nhằm ổn định thị trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Diễn biến của thị trường đã khẳng định vai trò quan trọng của các công cụ, nghiệp vụ phái sinh trong phòng ngừa rủi ro biến động giá đối với mặt hàng xăng dầu. Chủ động bảo hiểm giá xăng dầu thông qua việc sử dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh giúp hạn chế những khó khăn, thua lỗ cho các thương nhân, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trước những biến động bất thường.

Bên cạnh đó, việc có các công cụ bảo hiểm giá sẽ đảm bảo và duy trì vai trò của Cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành kinh doanh có điều kiện thông qua các công cụ thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể tiếp tục hỗ trợ việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm thiểu rủi ro về biến động giá dầu thế giới thông qua các công cụ phái sinh. Trên thực tế, quyền sử dụng công cụ phái sinh để phòng vệ rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vốn đã được quy định tại Nghị định số 83/2014.

Mặt khác, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định số 83/2014 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung có liên quan theo hướng mở rộng quyền áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh thông qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam để bảo hiểm giá khi tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dùng các công cụ phái sinh hedging, họ sẽ chỉ phải chi trả một khoản phí bảo hiểm nhỏ để phòng ngừa rủi ro trước các diễn biến bất lợi từ giá dầu, từ đó cũng hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước trước các biến động bất thường của thị trường quốc tế. Trên thế giới, việc sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm rủi ro cho giá hàng hóa đã diễn ra từ rất lâu và sôi động tại hầu hết các quốc gia phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá dầu biến động và hướng đi của doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO