Baemin “ngậm ngùi” bỏ cuộc chơi
Vậy là sau một khoảng thời gian đồn đoán, ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến của Hàn Quốc đã lên tiếng chính thức về việc rời bỏ thị trường Việt Nam.
>>>Baemin tái cấu trúc hay “bỏ cuộc chơi” tại Việt Nam?
Ngày 24/11, nhiều người sử dụng ứng dụng giao đồ ăn Baemin tại Việt Nam đã nhận được thông báo, ứng dụng này sẽ chính thức dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023. Thông tin này đã được xác nhận và ứng dụng giao đồ ăn được nhiều giới trẻ yêu thích sẽ “khép lại cuộc chơi” sau gần 4 năm hoạt động trên thị trường Việt Nam.
Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Baemin đã tạo ra những dấu ấn khác biệt bằng cách vận hành nhà bếp riêng và triển khai các chiến lược marketing độc đáo. Ngoài ra, họ còn đầu tư vào Baemin Studio và một thương hiệu mỹ phẩm cùng nhận được sự đón nhận tích cực từ cộng đồng.
Baemin đến Việt Nam vào tháng 6 năm 2019, muộn hơn khá nhiều so với các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến khác. Tuy nhiên, họ nhanh chóng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và đã có lúc khiến cho các nền tảng giao đồ ăn kỳ cựu như Grab hay ShopeeFood phải “toát mồ hôi”.
Nền tảng này áp dụng chiến lược kinh doanh “chậm mà chắc” khi đi ngược lại các đối thủ khác. Nếu các ứng dụng khác triển khai trên toàn thị trường hoặc một khu vực thì Baemin chỉ tập trung toàn bộ lực lượng vào một khu vực nhất định, phát triển theo từng quận rồi lan tỏa sang các khu vực khác. Theo chiến lược này, Baemin đã dần từng bước có được những vị trí nhất định trên thị trường giao đồ ăn Việt Nam trong những năm qua.
Bên cạnh đó, Baemin cũng liên tục sử dụng chiến lược marketing với nội dung khá hài hước và hình ảnh độc đáo, được giới trẻ yêu thích. Chính điều này đã khiến Baemin trong một thời gian ngắn xuất hiện đã vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ và từng chiếm vị trí thứ 2 trong top ứng dụng đồ ăn, đồ uống trên App Store, sở hữu hơn 1 triệu lượt tải xuống từ Google Play.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu của Baemin tại Việt Nam từng tăng tới 484% trong năm 2020, tốc độ tăng doanh thu lớn nhất trong số các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến. Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng chậm lại của ngành giao đồ ăn tại Việt Nam thời gian qua, Baemin vẫn chưa tìm thấy lãi.
Theo các báo cáo trong ngành, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất Đông Nam Á với nhiều nền tảng tham gia cùng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nếu như năm 2018, Việt Nam chỉ có một vài ứng dụng giao đồ ăn như Now, Lala, Vietnammm (nền tảng sau này được Baemin mua lại), thì cho đến năm 2022 đã có ít nhất 8 công ty trong ngành.
>>>Baemin và “chiêu” tiếp thị hoài niệm
>>>Baemin có “xanh hóa” được đồ ăn giao?
Trên thực tế, lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến được cho là phát triển tốt ở các khu vực thành thị, đặc biệt là các thành phố lớn với lượng tài xế nhiều và đơn hàng cao. Thị trường F&B ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều nhà hàng với nhiều loại hình dịch vụ mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Tuy nhiên, thị trường có hạn mà người chơi nhiều, đã buộc các ứng dụng phải cạnh tranh nhau khốc liệt thông qua các chương trình khuyến mãi, tiếp thị và truyền thông. Người dùng thì được hưởng lợi từ nhiều ưu đãi khác nhau, nhưng các ứng dụng thì liên tục thua lỗ trong những năm qua do thị trường có tính cạnh tranh cao, doanh thu phí dịch vụ thấp, phạm vi triển khai dịch vụ nhỏ và nhu cầu khuyến mãi liên tục.
Tại Việt Nam, Baemin phải cạnh tranh quyết liệt với các nền tảng như Grab, Gojek và ShopperFood trong lĩnh vực giao đồ ăn. Họ đứng thứ ba và chiếm 12% thị phần vào năm 2022. Mặc dù đứng thứ ba, song lại kém rất xa so với hai ông lớn trong ngành là GrabFood với 45% và ShopeeFood với 41% thị phần. Rõ ràng, trong lĩnh vực này, Baemin đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị phần và tăng trưởng người dùng.
Doanh thu và thị phần tăng trưởng chậm, thua lỗ kéo dài, nhà đầu tư sốt ruột có lẽ là những áp lực lớn, buộc Baemin phải thay đổi chiến lược. Và quyết định ngừng cuộc chơi có thể một bước đi dứt khoát để tránh “cơn đau kéo dài” của Baemin.
Có thể bạn quan tâm
Đằng sau câu chuyện Baemin cắt giảm nhân sự
16:14, 29/09/2023
Startup Baemin thu hẹp thị trường tại Việt Nam
06:33, 29/09/2023
Baemin tái cấu trúc hay “bỏ cuộc chơi” tại Việt Nam?
03:00, 27/09/2023
Baemin và “chiêu” tiếp thị hoài niệm
02:00, 06/09/2023
Baemin và những điều khác biệt
14:43, 31/05/2023
Con đường đa dạng hóa của Baemin Việt Nam
01:33, 29/04/2023
Baemin có “xanh hóa” được đồ ăn giao?
03:00, 11/03/2023
CEO BAEMIN Việt Nam: "Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng ứng dụng"
03:45, 26/11/2022
Chặng đường “tăng tốc” của Baemin
02:36, 29/09/2022