Mới đây, Công ty Chứng khoán ABS vừa hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận của Công ty Cổ phần Thế giới Di động (HoSE: MWG). Nguyên nhân vì sao?
>>>Những xu hướng sẽ dẫn dắt ngành bán lẻ trong năm 2023
Báo cáo của ABS hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận của MWG trong năm 2023 và 2024 dựa trên kết quả kinh doanh kém khả quan trong 9 tháng đầu năm và triển vọng về nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới vẫn còn rất thấp. ABS dự báo doanh thu của MWG năm 2023 và năm 2024 lần lượt đạt 115.547 tỷ đồng giảm 13,4% và 122.117 tỷ đồng tăng 5,7%, lợi nhuận sau thuế năm 2023 và năm 2024 lần lượt đạt 121 tỷ đồng, giảm 97% và 187 tỷ đồng tăng 54%
Theo ABS việc hạ dự báo MWG do các yếu tố sau: Nhu cầu tiêu thụ nói chung và nhu cầu với mặt hàng ICT nói riêng tuy có sự hồi phục so với giai đoạn đầu năm 2023 nhưng hiện rất yếu, dự kiến tốc độ hồi phục của doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ tương đối chậm. Động lực tăng trưởng chính cho MWG trong thời gian tới vẫn đến từ mảng Bách Hoá Xanh (BHX) với mục tiêu đạt điểm hòa vốn vào năm 2024.
Với kết quả tích cực đến từ chiến lược tập trung vào mặt hàng thực phẩm tươi sống, doanh thu trung bình /cửa hàng của BHX đã đạt mức 1,65 tỷ đồng/tháng tiệm cận điểm hòa vốn trong tháng 8 và tháng 9/2023. Tuy nhiên mảng này vẫn ghi nhận lỗ quý III là 246 tỷ đồng, nhưng mức lỗ này đã giảm đáng kể so với 2 quý trước.
Trong quý III/2023, kết quả kinh doanh của MWG vẫn giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên biên độ giảm đã được thu hẹp so với giai đoạn đầu năm. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 30.288 tỷ đồng (giảm 5% trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 39 tỷ đồng (giảm 96%). Tuy kết quả kinh doanh có chuyển biến tích cực hơn nhưng doanh thu của MWG chỉ tăng nhẹ so với quý II và lợi nhuận vẫn ở mức rất thấp.
Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn còn rất yếu, đặc biệt khi quý III thường là cao điểm của nhu cầu tiêu thụ mặt hàng ICT do học sinh sinh viên bước vào mùa tựu trường. Bên cạnh đó, chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh có doanh thu quý 3 đạt khoảng 20.800 tỷ đồng, giảm 14%. Chuỗi BHX đạt doanh thu khoảng 8.600 tỷ đồng chủ yếu nhờ tăng trưởng từ mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của MWG vẫn ghi nhận giảm mạnh. Điều này chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố chung của thị trường trong năm 2023 như lạm phát cao, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới sức mua suy giảm. Biên lợi nhuận gộp của MWG cũng ghi nhận giảm từ 23,1% về mức 18,7% trong 9 tháng đầu năm 2023.
Có thể nói, chiến lược giảm giá bán kích cầu tiêu dùng và gia tăng thị phần trong năm 2023 tiếp tục là nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận. Chiến lược này đã khiến chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của MWG tiếp tục giảm mạnh. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành được 64% kế hoạch về doanh thu và mới chỉ hoàn thành được 1,8% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2023.
Tại 30/09/2023, hàng tồn kho của MWG đạt 22.854 tỷ đồng (giảm 11% so với đầu năm), tỷ trọng hàng tồn kho trong cơ cấu tổng tài sản của MWG cũng giảm từ 46% xuống còn 39%. Như vậy, có thể thấy MWG đang phải chịu ít áp lực giải phóng hàng tồn kho hơn so với một số nhà bán lẻ khác, chẳng hạn như tỷ trọng này ở FRT đang ở mức 62%. Tuy nhiên, nợ vay của MGW lại tăng mạnh. Tại thời điểm 30/09/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của MWG đạt 22.926 tỷ đồng ( tăng 38% so với đầu năm), chủ yếu tăng nợ ngắn hạn.
Trên thị trường, cổ phiếu MWG tiếp tục giảm sâu, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11 cổ phiếu này chỉ còn 41.400 đồng/cp.
Bên cạnh đó, trong thông báo mới nhất, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý, vừa thông báo đã bán ra 114 nghìn cổ phiếu MWGvào ngày 14/11. Ước tính theo thị giá MWG đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (41.500 đồng/cp), quỹ ngoại này có thể thu về khoảng 5 tỷ từ việc bán bớt cổ phiếu.
Sau giao dịch, Arisaig Asian Fund Limited đã giảm sở hữu tại MWG từ 50,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,458%) xuống còn 50,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,45%). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại liên quan cũng theo đó giảm từ 5,005% xuống còn 4,997% tương ứng 73 triệu cổ phiếu MWG – chính thức không còn là cổ đông lớn tại MWG.
Quỹ thành viên Arisaig Asian Fund Limited bắt đầu ghi nhận bán ra cổ phiếu MWG kể từ giữa tháng 4/2023. Chỉ sau 7 tháng, quỹ đã bán ròng tổng cộng hơn 52 triệu cổ phiếu MWG. Ngược lại, hai quỹ thành viên khác là Arisaig Global Emerging Market Fund (Singapore) Pte.Ltd và Mercer QIF Fund Public Limited Company ghi nhận mua ròng nhẹ. Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đầu tư ngoại đã hạ xuống dưới ngưỡng 5% vốn như hiện nay.
Từ việc liên tục thoái vốn của quỹ ngoại, cổ phiếu MWG liên tục ghi nhận tình trạng hở “room” ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% đã giảm về dưới sát ngưỡng 45%, tương ứng hở gần 4%. Đây là điều rất hiếm thấy tại doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này trong nhiều năm qua…
Dù vậy, việc hở "room" có tạo cơ hội để dòng vốn mới quan tâm đến MWG hay không? - Đây vẫn là một câu hỏi chưa có tín hiệu rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh của MWG "kém sáng" như hiện tại, cũng như triển vọng doanh thu và lợi nhuận bị hạ trong dự báo năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Vietnam Report công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống - Bán lẻ - Bao bì
21:24, 06/11/2023
Doanh nghiệp bán lẻ vận động thích ứng với thị trường
02:30, 06/11/2023
Dư địa phát triển thị trường bán lẻ TP.HCM còn rất lớn
16:28, 10/10/2023
Giá xăng bán lẻ có thể giảm xuống dưới 23 nghìn đồng/lít
15:53, 10/10/2023
MWG và cuộc cạnh tranh mua vốn của nhà đầu tư ngoại tại Bách Hóa Xanh
04:50, 01/10/2023
Chuỗi Bách hóa Xanh: Điểm sáng của MWG
05:00, 04/09/2023
Bách Hóa Xanh khi nào có lãi?
05:00, 26/11/2022