Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện vai trò dẫn đầu châu Á để kêu gọi khu vực này có tiếng nói hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
>> Hệ lụy khi kinh tế Trung Quốc ở “ngã ba đường”
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Pan Gongsheng đã tái khẳng định mong muốn của nước này trong việc có nhiều tiếng nói hơn trong hệ thống tài chính quốc tế để phù hợp với sức mạnh kinh tế của nước này, đồng thời kêu gọi một cơ chế tiền tệ khu vực và tăng cường hợp tác song phương.
Phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2024, ông Pan Gongsheng cho biết rằng các tổ chức quốc tế lâu đời như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần phải được cải cách về quyền biểu quyết để phản ánh tốt hơn sức nặng của một nền kinh tế cụ thể.
Trước đó, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã đến thăm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, trong thời gian đó bà đã thảo luận về cải cách quyền biểu quyết ở IMF với ông Pan. Hiện Trung Quốc nắm giữ 6,09% quyền biểu quyết tại IMF, thấp hơn nhiều so với con số 16,5% của Mỹ, vốn giúp Washington có nhiều quyền hạn hơn với các quyết định quan trọng tại IMF.
Được biết, IMF đã kết thúc đợt đánh giá về quyền biểu quyết trong IMF vào tháng 12/2023, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra về bất kỳ sự phân bổ điều chỉnh nào.
Theo tầm nhìn siêu cường tài chính của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra tại Hội nghị công tác tài chính trung ương vào tháng 10/2023, một phần trong đó sẽ là tăng cường sức ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong lĩnh vực tài chính quốc tế.
“Tài chính đã trở thành một trong những lĩnh vực cạnh tranh gay gắt trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường”, SCMP trích dẫn lời Chủ tịch Tập trong cuốn sách "Trích biên những bài phát biểu và bài viết của đồng chí Tập Cận Bình về công tác tài chính”.
>> Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều quốc gia tìm cách ứng phó
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết, việc có tiếng nói mạnh mẽ và khả năng tận dụng tầm ảnh hưởng của mình trong việc xây dựng các quy tắc tài chính toàn cầu là một trong những đặc điểm cốt lõi của một siêu cường tài chính.
Nhận định về vấn đề này, ông Rui Meng, Giáo sư của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu, cho biết Trung Quốc được hưởng lợi lớn nhất từ việc điều chỉnh quyền biểu quyết và bơm vốn sắp tới tại IMF. “Trung Quốc đang thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ, nhưng họ cũng phải đảm bảo sự công bằng khi tiếng nói ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ không trở thành một sự thống trị không công bằng khác”, chuyên gia này lưu ý và nhấn mạnh đó là lý do tại sao ông Pan nhấn mạnh đến tiếng nói và cách tiếp cận chung của châu Á để nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn và bền vững hơn.
Tại Diễn đàn Bắc Ngao, ông Pan kêu gọi các thành viên tham gia hội thảo, bao gồm các quan chức ngân hàng trung ương từ Indonesia, Singapore và Mông Cổ cùng phối hợp các nỗ lực nhằm đẩy nhanh việc cải cách về quyền biểu quyết tại IMF để phản ánh tầm quan trọng của các nước châu Á và các thị trường mới nổi.
Bắc Kinh cũng đặt thêm hy vọng vào việc tăng cường các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trong khu vực, bao gồm Sáng kiến Chiang Mai (CMI) bao gồm Trung Quốc, 10 quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Pan đánh giá cao “ý chí chung” trong khu vực trong việc khám phá khả năng thiết lập các cơ chế và thể chế tài chính quốc tế dành riêng cho châu Á, khi ông nhắc đến lời kêu gọi thành lập các thực thể pháp lý mới để củng cố mạng lưới an toàn tài chính của châu Á.
Đến nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (554 tỷ USD) với 29 quốc gia và khu vực, trong đó các thỏa thuận này là một phần quan trọng trong nỗ lực cứu trợ quốc tế do IMF dẫn đầu nhằm giúp các nước thành viên chống lại các cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính.
Có thể bạn quan tâm