Các dự án cao tốc đang trong giai đoạn nước rút trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng.
>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ ra Nghị quyết mới, tiếp tục gỡ vướng cho cao tốc Bắc - Nam
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, tuyến này vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu và biến động giá vật liệu. Nếu không kịp thời tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu thì đường cao tốc Bắc - Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Trong khi mưa lũ vẫn đang tiếp tục hoành hành tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gây nhiều ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Thêm vào đó, hơn 2 năm qua, nhiên liệu tăng cao, nguyên vật liệu phục vụ thi công thiếu hụt trầm trọng đã đẩy các nhà thầu vào những khó khăn chồng chất. Giá nguyên nhiên liệu hiện cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi đang khiến cho các nhà thầu thực sự “méo mặt”. Bởi lẽ, phần thiếu hụt do chênh lệch giá ở thời điểm đấu thầu, kí hợp đồng so với thực tế quá lớn, khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Thêm vào đó, tình trạng đất đắp đang bị khan hiếm, nhiều nhà thầu cho biết, đây là khó khăn rất lớn đối với các hợp đồng thi công cao tốc Bắc - Nam và vẫn chưa có hướng tháo gỡ triệt để. Tại nhiều gói thầu, thời gian qua, giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50%, cá biệt có gói tăng 154%. Nguồn cung khan hiếm mà không được điều chỉnh giá, kết hợp hiện tượng đầu cơ tăng giá của các chủ mỏ đất khiến nhà thầu thêm chật vật.
Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho biết, thực hiện đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, khi ký hợp đồng, nhà cung cấp còn tăng giá do khan hiếm, một số mỏ phải tranh giành, tiến độ bị ép; có những mỏ cấp rồi nhưng chưa khai thác được. Vấn đề khan hiếm vật liệu vẫn còn, giai đoạn 2 nếu không có cách làm thì sẽ vẫn vỡ trận, đại diện Cienco 4 lo ngại.
Trong khi đó, việc giao mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công trực tiếp quản lý mang lại nhiều lợi ích hiện hữu. Bày tỏ quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó TGĐ Vinaconex - một trong những doanh nghiệp thi công nhiều gói thầu nhất tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 cho rằng, cơ chế đặc thù giao mỏ vật liệu cho nhà thầu là vô cùng cần thiết. Khi nhà thầu trực tiếp quản lý khai thác mỏ, vật liệu sẽ giảm đáng kể chi phí, trong khi để tư nhân khai thác giá có thể bị “thổi” lên gấp đôi.
>> Chỉ định thầu dự án cao tốc Bắc - Nam: Vì sao nhà thầu hào hứng với cơ chế đặc thù?
>> Sẽ hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đúng tiến độ
Khó khăn là vậy, nhưng không vì thế mà các nhà thầu chùn bước. Doanh nghiệp vẫn đang “oằn mình”, dốc toàn lực từ tiền bạc, nhân lực cho đến máy móc thiết bị, quyết tâm thi công 3 ca cả ngày lẫn đêm, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để bù tiến độ dự án trọng điểm quốc gia này.
Trên quyết liệt, dưới vẫn khó
Để gỡ vướng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo trong quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố tác động đến xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án thi công đúng tiến độ.
Đặc biệt, để gỡ vướng về nguồn vật liệu đất đắp, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 về cơ chế đặc thù trong khai thác và cấp phép mỏ vật liệu phục vụ xây dựng các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Thế nhưng đến nay sau hơn một năm ban hành Nghị quyết 60 và gần một năm Nghị quyết 133 có hiệu lực, việc cấp phép mỏ vật liệu nhiều nơi vẫn “ì ạch”, thủ tục cấp phép vẫn phải thực hiện theo đúng “quy trình”, dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp ở nhiều dự án.
Từ thực tiễn triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Lê Đức Thọ cho rằng, những khó khăn về cấp phép mỏ vật liệu mới chỉ được tháo gỡ một phần về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sau khi các mỏ vật liệu được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thì vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục thuê đất, giao đất cho chủ mỏ để có thể tiến hành khai thác vật liệu. Một số mỏ đất đã được cấp phép, nhưng vẫn chưa xong thủ tục để khai thác.
Sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ trong suốt thời gian qua thể hiện quyết tâm lớn, gỡ các “nút thắt”, cho phép áp dụng những cơ chế, giải pháp đặc thù, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam.
Thế nhưng, ở đâu đó có địa phương vẫn chưa thực sự “nới lỏng” các điều kiện cấp phép mỏ vật liệu theo chỉ đạo của Chính phủ, dẫn đến thiếu vật liệu và thách thức tiến độ thi công. Việc hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, khởi tố thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm, giữ an toàn cho bản thân và né tránh việc khó của một bộ phận cán bộ, người đứng đầu bộ, ngành và địa phương. Điều này dẫn đến sự trì trệ trong cấp phép các mỏ vật liệu, gây đình trệ trong thi công.
Cũng có ý kiến hoài nghi rằng, ngoài việc “sợ trách nhiệm”, còn có dấu hiệu “lợi ích nhóm” tiềm ẩn, cố tình gây khó dễ trong cấp phép, ép các nhà thầu phải mua vật liệu tại những doanh nghiệp sân sau để thu lợi.
Thực trạng này nếu không ngăn chặn và xử lý kịp thời sẽ gây ra hệ lụy vô cùng lớn, cản trở quá trình thi công, đi ngược lại chủ trương của của Đảng và Nhà nước.
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, muốn xây cao tốc, trước hết hãy làm “cao tốc” trong chính những thủ tục hành chính.
Có thể bạn quan tâm
Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông cơ bản triển khai đúng tiến độ
13:24, 09/06/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần trên cao tốc Bắc Nam phía Đông
19:10, 17/09/2021
Dự án cao tốc Bắc Nam cần cơ chế cho “đất nguyên liệu”
02:23, 01/08/2021
Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn về vật liệu và bãi thải
15:00, 29/03/2021
Vì sao cao tốc Bắc Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
05:00, 17/10/2020