Xoa dịu nỗi lo về vốn cho doanh nghiệp hậu dịch COVID-19

Hà Anh 05/04/2020 11:30

Mặc dù chiếm tới 95% lượng doanh nghiệp của cả nước và có đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.

Trong bối cảnh đó, Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF) ra đời đã phần nào xoa dịu nỗi lo về vốn cho các doanh nghiệp. Quỹ này được kỳ vọng sẽ giúp không ít DNNVV "hồi sinh" hậu dịch COVID-19.

Cơn khát vốn dai dẳng

Hiện đa phần doanh nghiệp trong nước đều có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, nên khả năng chống chọi với những biến động của thị trường là khá yếu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Đó chính là lý do mà lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều, song lượng phải rời bỏ thị trường cũng không ít. Đơn cử như trong 2 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động lên tới 28,4 nghìn doanh nghiệp, gần bằng lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Một trong những lý do khiến nhiều DNNVV chỉ có “tuổi thọ” khá ngắn do các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng. “Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ tín dụng còn thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ theo quy định do Chính phủ ban hành. Nhiều địa phương triển khai hỗ trợ DNNVV rất chậm, nhất là hỗ trợ miễn, giảm thuế, hỗ trợ giảm lãi suất vay”, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết.

Quả vậy theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% DNNVV hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết rất khó tiếp cận nguồn vốn này… 

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các DNNVV thiếu tài sản bảo đảm, cộng thêm tính minh bạch về tài chính còn yếu kém nên các ngân hàng khó cho vay. Cũng khó trách được các nhà băng khi họ chỉ là trung gian tài chính, nguồn vốn cho vay ra chủ yếu được huy động từ dân cư nên việc bảo toàn vốn là yêu cầu số một trong hoạt động của các các nhà băng.

Phao cứu sinh

Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng vẫn là giấc mơ xa vời đối với nhiều DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF) ra đời đã trở thành một chiếc “phao cứu sinh” trong việc hỗ trợ vốn cho cộng đồng DNNVV, đặc biệt sau khi dịch bệnh COVID-19 qua đi. 

SMEDF là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ, có chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực và tiếp nhận, quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV.

Quỹ đã ban hành Quyết định số 07/ QĐ-HĐTV về việc ban hành Quy chế cho vay gián tiếp thông qua NHTM để hỗ trợ DNNVV vay vốn triển khai các dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo quy định tại Nghị định 39/2019/NĐ-CP. Mức cho vay từ nguồn vốn cho vay gián tiếp của Quỹ đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 02 năm. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,16%/năm, lãi suất cho vay trung hạn là 6,0%/năm và lãi suất 6,0%/năm cho dự án vay dài hạn. 

Hiện Quỹ đã ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với 5 ngân hàng là BIDV, MBBank, SHB, HDBank và BacA Bank. Đây đều là ngân hàng có mạng lưới giao dịch trên toàn quốc và có kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ tài chính đối với DNNVV. Tính đến nay, Quỹ đã chấp thuận ủy thác cho ngân hàng để giải ngân cho DNNVV số tiền là 149,8 tỷ đồng. “Nhờ vào dòng vốn giải ngân từ Quỹ, nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV được cấp vốn, góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của tôi”, ông Hà Trung Dũng, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội chia sẻ. 

Có thể bạn quan tâm

  • "Đãi cát" tìm vốn

    11:00, 10/12/2019

  • Giải tỏa

    Giải tỏa "cơn khát" vốn cho doanh nghiệp

    11:00, 27/01/2020

  • Hút vốn cho doanh nghiệp từ chứng quyền

    Hút vốn cho doanh nghiệp từ chứng quyền

    11:00, 17/06/2019

  • Khơi thông vốn cho doanh nghiệp

    Khơi thông vốn cho doanh nghiệp

    09:01, 08/05/2019

  • Nhiều giải pháp gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

    Nhiều giải pháp gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

    23:26, 29/03/2019

  • Gỡ

    Gỡ "nút thắt" thiếu vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    20:14, 16/10/2018

Tuy nhiên, do nguồn vốn điều lệ của Quỹ còn khá khiêm tốn, chỉ 2.000 tỷ đồng, đã hạn chế khá nhiều khả năng của Quỹ trong việc hỗ trợ DNNVV. Bà Hoàng Thị Hồng – Chủ tịch HĐTV của Quỹ cũng thừa nhận, do nguồn vốn hỗ trợ có hạn không thể dàn trải hết cho tất cả DNNVV, nên Quỹ không đặt mục tiêu giải ngân ồ ạt mà tập trung các DNNVV có trọng tâm, trọng điểm theo các lĩnh vực ưu tiên, định hướng của Chính phủ. 

Mặc dù vậy, theo bà Hoàng Thị Hồng, nguồn vốn của Quỹ đóng vai trò là vốn mồi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ phát triển DNNVV. Chẳng hạn như việc ủy thác cho các NHTM từ nguồn vốn của Quỹ chỉ là vốn mồi để huy động tối đa nguồn lực nội tại từ chính các ngân hàng này khi cam kết tham gia, đồng hành cùng Quỹ. Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ của Quỹ thông qua hợp tác với một số ngân hàng cũng góp phần làm thay đổi “khẩu vị rủi ro” của các nhà băng: chuyển từ việc đề cao tiêu chí tài sản bảo đảm sang việc chú trọng đánh giá năng lực nội tại của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xoa dịu nỗi lo về vốn cho doanh nghiệp hậu dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO