Không chỉ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nạn buôn bán hóa đơn từ các doanh nghiệp “ma” còn gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước…
>>Hà Tĩnh: Cán bộ thuế lập công ty ảo bán hóa đơn thu lợi hàng tỷ đồng
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội liên tục “dậy sóng” bởi hàng loạt các đường dây mua bán hóa đơn trái phép bị các cơ quan chức năng triệt phá, đáng nói, quy mô và tính chất của các vụ việc này ngày một chuyên nghiệp, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ngày 11/8/2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 3 bị can để điều tra về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn”, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền thể hiện trong hồ sơ, sổ sách của doanh nghiệp lên tới gần 100 tỷ đồng.
Theo điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra xác định, Công ty dịch vụ thương mại vật tư xây dựng Phương Anh và Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Hùng Trang đã có hành vi mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng, khi không có hoạt động kinh doanh thực tế để kê khai báo cáo thuế, xuất hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá dao động 5-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn để kiếm lời bất chính.
Hay ngày 07/12/2021, Phòng An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội thông tin, đơn vị vừa triệt phá một đường dây mua bán hoá đơn, sơ bộ thống kê giá trị hàng hoá trước thuế ghi trên các hoá đơn mà các đối tượng bán cho khách hàng lên đến 1.000 tỷ đồng; thu lời bất chính mỗi tháng hàng chục tỷ đồng.
Không chỉ liên quan đến các doanh nghiệp “ma” được sinh ra để thực hiện hành vi phạm tội, mới đây, ngày 08/01/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Vương Đức Hải (49 tuổi), trú tại thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân và Nguyễn Thị Diễn (41 tuổi), trú tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà về tội “mua bán trái phép hóa đơn”. Trong đó, Hải nguyên là cán bộ đội thuế Chi cục Thuế huyện Lộc Hà.
Bằng các thủ đoạn tinh vi, từ ngày 31/7/2018 đến 31/12/2018, Hải cùng Diễn đã xuất bán 226 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Tiến Phúc, doanh thu 9,2 tỷ đồng nhưng không có hàng hóa kèm theo.
>>> Đã có trên 263.000 doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử
Những hành vi của các đối tượng trong các vụ việc đã nêu cho thấy, nạn buôn bán hóa đơn từ các doanh nghiệp “ma” diễn biến vô cùng phức tạp và có xu hướng ngày một gia tăng cả về số lượng vụ, cũng như số lượng tiền chiếm đoạt của ngân sách Nhà nước.
Trước thực trạng đã nêu, chuyên gia cho rằng, khi hóa đơn điện tử (HĐĐT) thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy kể từ ngày 01/7/2022 (hiện tại mới triển khai tại 6 địa phương) chắc chắn sẽ giảm thiểu tình trạng buôn bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Thực tế, chỉ sau 2 tháng chính thức sử dụng HĐĐT (kể từ 21/11/2021) tại 6 địa phương, bước đầu đã thu được nhiều kết quả rất khả quan. Đến nay, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận đề nghị, ký hợp đồng và đăng tải công khai thông tin của hàng chục tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT lên Cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp, người nộp thuế lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.
Được biết, cũng chính việc triển khai HĐĐT bước đầu rất thành công nên Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã yêu cầu, ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng phải đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, thống nhất quản lý, sử dụng HĐĐT, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022.
Theo ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), lợi ích của HĐĐT đã đem lại cho các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung, cơ quan thuế nói riêng, cho xã hội, cho nền kinh tế đã được chứng minh ở rất nhiều nước và với những doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn này trong hơn 10 năm vừa qua. Còn việc chấm dứt được tình trạng buôn bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế là mong mỏi không chỉ của cơ quan thuế, mà của toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính luôn mong muốn có môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, không thể ngăn chặn hoàn toàn được việc gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, nhưng chắc chắn, tình trạng này sẽ giảm hơn rất nhiều so với sử dụng hóa đơn giấy, vì hiệu quả quản lý sẽ cao hơn rất nhiều. Những doanh nghiệp thành lập ra chỉ nhằm buôn bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế sẽ không có đất để tồn tại”, ông Huy chia sẻ.
Ông Huy cho rằng, khi sử dụng hóa đơn giấy, doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp, tại nhiều địa phương, nhưng phải mất ít nhất 3-4 tháng sau cơ quan thuế mới phát hiện ra và phải mất rất nhiều thời gian để truy tìm đường đi của từng tờ hóa đơn, đặc biệt với hóa đơn được mua bán với doanh nghiệp “ma” (doanh nghiệp không có địa chỉ kinh doanh). Nhưng với HĐĐT, ngay sau khi doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phát hành, toàn bộ dữ liệu đã được chuyển về Hệ thống HĐĐT và được xử lý tự động hóa.
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp mới hoạt động mà xuất ngay cả ngàn hóa đơn thì ngay lập tức, Hệ thống đưa ra cảnh báo; hay doanh nghiệp đột xuất xuất hóa đơn có giá trị lớn hơn rất nhiều so với bình thường cũng sẽ được Hệ thống cảnh báo;…
“Khi được cảnh báo kịp thời, cơ quan thuế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay tức khắc nên chắc chắn, tình trạng gian lận hóa đơn sẽ giảm mạnh”, ông Huy khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Cán bộ thuế lập công ty ảo bán hóa đơn thu lợi hàng tỷ đồng
13:01, 08/01/2022
Đã có trên 263.000 doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử
10:20, 22/12/2021
FPT IS sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện tử mới
09:00, 21/12/2021
Ưu đãi lên tới 50% cho khách hàng khi nạp thẻ, thanh toán hóa đơn dịch vụ bằng tài khoản VNPT Pay - Mobile Money
11:30, 11/12/2021
Doanh nghiệp chuyển động cùng hoá đơn điện tử
05:30, 11/12/2021