Thể chế, chính sách cần đảm bảo công bằng góp phần nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân “cất cánh”.
Đề cập đến thể chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân tại Việt Nam, GS TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đang ở giai đoạn tăng tốc phát triển. Khu vực này có tốc độ tăng trưởng về doanh thu và vốn cao hơn cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước. Từ đó, vai trò tác động của kinh tế tư nhân đến nền kinh tế rõ ràng: đóng góp khoảng 43% GDP (chưa tính đến đóng góp của các hộ sản xuất nông nghiệp) và 35% cho thu ngân sách.
Động lực tăng trưởng lớn
Bên cạnh mặt số lượng, trong kinh tế tư nhân đã xuất hiện các hạt nhân là một số tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Số liệu công bố cho thấy, năm 2023 trong top 500 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, có 315 doanh nghiệp tư nhân (chiếm khoảng 72%), tăng nhanh về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động, vốn, doanh thu. “Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam trong thời gian qua đã rất nỗ lực để khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng lớn” - GS TS Ngô Thắng Lợi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra 4 hạn chế lớn của khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ nhất, hiệu quả hoạt động chưa cao thể hiện ở một số khía cạnh như năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân bằng 39% của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và bằng 67% của khu vực FDI. Lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp tư nhân bằng 0,75% của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và bằng 3,1% của khu vực doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, năng suất khoa học công nghệ thấp. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 10%.
Thứ ba, thu nhập của người lao động ở khu vực tư nhân thấp nhất, bằng 3/4 của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và bằng 2/3 của khu vực doanh nghiệp FDI.
Cuối cùng, đáng quan tâm là xu hướng chậm lại và không bền vững của kinh tế tư nhân trong quá trình chạy đua theo thị trường, thể hiện rất rõ các doanh nghiệp tư nhân đang trong tình trạng chậm lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân rời thị trường khá lớn.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên, theo GS TS Ngô Thắng Lợi, đến từ thể chế. Tư duy, nhận thức về kinh tế tư nhân trong thời gian qua chưa đủ và chưa đúng.
Cụ thể, chưa đưa đầy đủ các bộ phận cấu thành của kinh tế tư nhân nên chưa có đầy đủ thể chế, chính sách cho khu vực. Trong khi đó, đang bỏ qua các hộ kinh doanh phi nông nghiệp và các hộ sản xuất nông nghiệp với khoảng 16 triệu hộ đang sử dụng đất được Nhà nước giao và tiền đầu tư của mình để sản xuất kinh doanh sản phẩm trên thị trường.
Gói chính sách phù hợp và công bằng
GS TS Ngô Thắng Lợi cũng đề cập đến vấn đề đang “lỏng lẻo” ở khu vực kinh tế tư nhân. Đó là liên kết yếu giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước dưới dạng “hiệu ứng chảy tràn”, giữa các doanh nghiệp tư nhân của người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp tư nhân trong nước hay ở các địa phương để tạo thành chuỗi để mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển. Trong đó, các doanh nghiệp tập đoàn tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt; còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ là bệ đỡ như mô hình thành công tại nhiều nước.
Theo GS TS Ngô Thắng Lợi, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, động lực chính phải đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Song, động lực này chỉ được quy đổi bằng hiệu quả tăng trưởng khi nút thắt về chính sách được tháo gỡ.
Theo phân tích của chuyên gia, hiện chính sách cho kinh tế tư nhân thiếu yếu tố bao trùm trên cả 3 phương diện: trong khả năng tiếp cận nguồn vốn, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, trong phân phối kết quả, doanh thu của doanh nghiệp.
Cụ thể, khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm khoảng 35,6% lợi nhuận nhưng có thể đóng góp khoảng 45% tổng doanh thu thuế của nhà nước. Trong khi đó, khu vực FDI chiếm 45% lợi nhuận nhưng đóng góp 30% trong tổng thu thuế của nhà nước.
Từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng thu thuế của khu vực kinh tế tư nhân tăng 4 lần, còn doanh nghiệp FDI là 2 lần dù doanh thu của khu vực tư nhân lớn gấp 2 lần so với FDI. Con số trên cho thấy thiếu yếu tố bao trùm trong phân phối doanh thu, thành quả của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Trên cơ sở đó, đại diện nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất mô hình phát triển bao trùm cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước trên cả 3 phương diện: cơ hội tiếp cận, trong quá trình sản xuất kinh doanh, phân phối kết quả, nhất là trong chính sách thuế. Qua đó góp phần nâng cao năng lực để khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể “cất cánh” bằng chính sách, thể chế.
Bên cạnh đó, cần có chính sách riêng cho các nhóm doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, theo kinh nghiệm của một số quốc gia vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để trở thành “sếu đầu đàn” dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Ngoài ra, có chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và có chính sách hỗ trợ kỹ thuật tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh.