“Hiểm hoạ” khó lường từ giảm phát ở Trung Quốc

NHI NGUYỄN 15/08/2023 04:40

Số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 của Trung Quốc cho thấy nước này đã rơi vào tình trạng giảm phát. Điều này tác động lớn đến Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

CPI tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

CPI tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

>> Trung Quốc đối mặt giảm phát, Việt Nam ứng phó ra sao?

CPI tháng 7 của Trung Quốc đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, PPI tháng 7 của quốc gia này giảm tới 4,4%, đây là mức giảm tháng thứ 10 liên tiếp. 

Giá rẻ hơn thoạt nhìn có vẻ tốt cho người tiêu dùng, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân bắt đầu tăng chi tiêu tiêu dùng. Khi giá nhiều loại hàng hóa giảm trong một thời gian dài, mọi người bắt đầu nghĩ rằng tốt nhất là nên ngừng mua những mặt hàng đắt tiền như đồ gia dụng vì nghĩ rằng giá sẽ tiếp tục giảm. Điều đó hạn chế hoạt động kinh tế hơn nữa, đến lượt nó buộc các doanh nghiệp phải giảm giá. Đối với người tiêu dùng, điều đó thường dẫn đến việc kiếm được ít tiền hơn hoặc mất việc làm, sau đó dẫn đến chi tiêu ít hơn trong một vòng xoáy nguy hiểm đi xuống.

Đối với các doanh nghiệp, giá giảm thường kéo theo giảm doanh thu và lợi nhuận, khiến các doanh nghiệp hạn chế đầu tư và tuyển dụng. Một số nhà kinh tế tin rằng tình trạng giảm phát có thể gây ra suy thoái hoặc khủng hoảng khi mọi người không trả được nợ và nhiều doanh nghiệp, ngân hàng bị phá sản. Như ở Nhật Bản, nơi giá cả sụt giảm đã diễn ra trong những năm 1990, khiến kinh tế Nhật trì trệ kéo dài. 

Tác động rõ ràng nhất của tình trạng giảm phát ở Trung Quốc có thể là giảm doanh thu của các doanh nghiệp do họ phải giảm giá trong thời kỳ giảm phát. Trái phiếu có lợi hơn một chút, bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư trong thời gian khó khăn. Bởi những lo ngại về tăng trưởng và hạn chế đầu tư thường khiến chính phủ triển khai chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, giúp trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn. 

Tuy nhiên, ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank Ltd., cho biết lợi suất trái phiếu chính phủ của Trung Quốc hiện đang quá thấp so với các thị trường lớn để hấp dẫn các nhà giao dịch nước ngoài.

>> "Báo động đỏ" kinh tế Trung Quốc

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc bước vào thời kỳ giảm phát toàn diện và kéo dài, có thể sẽ có một số tác động ngược trở lại nền kinh tế thế giới. Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các quốc gia khác vì quốc gia này không xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc, do đó, sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc sẽ có ít tác động ngay lập tức đối với Mỹ. Các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô và thực phẩm thuộc thế giới thứ ba sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều quốc gia trong số đó đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ với Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến một số vụ vỡ nợ ở các nước đang phát triển.

Chỉ số CPI và PPI của Trung Quốc

Diến biến chỉ số CPI và PPI của Trung Quốc

Điều đáng lo ngại hơn là những tác động tài chính toàn cầu có thể xảy ra, đặc biệt là sự hoảng loạn tài chính. Bởi Trung Quốc là quốc gia cho vay ròng đối với thế giới. 

Trong khi đó, những nước nhập khẩu từ Trung Quốc có thể hưởng lợi khi Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, ít nhất là trong ngắn hạn. Khi các nhà sản xuất Trung Quốc giảm giá hàng hoá để giảm nguồn cung dư thừa, sẽ giúp các quốc gia nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc giảm áp lực lạm phát trong nước.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, hàng hóa do Trung Quốc sản xuất chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong chi tiêu của người tiêu dùng ở các nước phát triển này. Ví dụ, rổ CPI của Mỹ bị chi phối bởi chi phí nhà ở, thực phẩm, năng lượng và chăm sóc y tế, tương đối ít liên quan đến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để đối phó với tình trạng giảm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể cắt giảm lãi suất hơn nữa hoặc giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ. Vấn đề là PBoC phải đối mặt với một số hạn chế, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ yếu hơn và mức nợ công tăng cao hơn, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, hỗ trợ tài chính và kích thích kinh tế có thể cũng vừa phải do căng thẳng tài chính, có nghĩa là các nhà chức trách ít có xu hướng dựa vào các biện pháp chi tiêu lớn như trong quá khứ và thay vào đó chuyển sang các chiến lược có mục tiêu. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

    Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại

    02:30, 18/07/2023

  • "Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi

    04:00, 01/07/2023

  • Vì sao tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc gặp trở lực?

    Vì sao tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc gặp trở lực?

    03:00, 26/05/2023

  • Kinh tế Trung Quốc:

    Kinh tế Trung Quốc: "Lung lay" trụ cột tiêu dùng

    04:30, 18/03/2023

  • "Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc

    03:00, 08/03/2023

  • Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?

    Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?

    12:00, 27/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Hiểm hoạ” khó lường từ giảm phát ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO