Xuất khẩu thủy sản quý 1/2022 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay so với cùng kỳ hàng năm, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt.
>>Dư địa tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2022
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 đạt 202 nghìn tấn, trị giá 900 triệu USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với tháng 3/2021. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 307 nghìn tấn, trị giá 2,41 tỷ USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 38,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kết quả xuất khẩu khả quan chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang đà hồi phục mạnh, tăng 80% đạt 261 triệu USD trong tháng 3 với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu (EU).
Lũy kế tới hết tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Tôm vẫn giữ tỷ trọng cao nhất với 37% mang về hơn 345 triệu USD trong tháng 3, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng xuất khẩu tôm trong quý I đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý I/2021. Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá xuất khẩu trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu tôm vượt xa năm trước.
Kết quả xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm cũng cho thấy ngành thủy sản cho thấy khả năng phục hồi nhanh với nhiều nhà cung cấp thủy sản đã chuyển hướng thành công các chiến lược kinh doanh, hướng đến các kênh bán lẻ và thương mại điện tử khi đối mặt với sự thắt chặt đột ngột và nghiêm trọng của dịch vụ thực phẩm.
Chính vì nhờ hướng khai thác này, ngành chế biến xuất khẩu thủy sản đã có thể tiếp cận được người tiêu dùng nhanh nhất, hợp lý nhất để các sản phẩm thủy sản có mặt trên bàn ăn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu thủy sản quý 1/2022 đạt kết quả cao nhất so với quý 1 hàng năm từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu có thể sẽ chững lại với tác động của lạm phát và tình trạng khó khăn trong hoạt động vận chuyển. Từ đầu năm 2022, giá cước vận tải biển đi các chặng Hoa Kỳ, châu Âu tiếp tục ở mức cao gây áp lực lên giá thủy sản.
Trong khi đó, dịch Covid-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát, hoạt động nuôi trồng thủy sản dần phục hồi. Nguồn cung tăng lên sẽ tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường, giá thủy sản có khả năng giảm trong thời gian tới.
Xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam lại tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản
Do vậy, dự báo xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD. Theo đó, xuất khẩu các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng 80% và tôm sẽ tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%.
Với nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thị trường thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp chế biến và xuất khấu khẩu thủy sản đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất như: Tập đoàn Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi, Công ty Thủy sản Khánh Sủng, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng đều tăng cường tuyển dụng lao động để nhanh chóng thực hiện các đơn hàng cho đối tác sau khi cả nước nói riêng, các quốc gia trên thế giới nói chung ứng phó được dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Phạm Hoàng Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, vì nhu cầu thế giới tăng nên doanh nghiệp đã nỗ lực tăng công suất sản xuất, dù nguồn nguyên liệu trong nước đang hiếm. Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, đây là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhận nhất nên doanh nghiệp sẵn sàng tận dụng mọi lợi thế để đưa doanh số đi lên.
Theo Quyết định 1664/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu của đề án là diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn; nuôi biển xa bờ 30.000 ha; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC thuỷ sản
16:48, 23/03/2022
Doanh nghiệp thuỷ sản Việt bị "tuýt còi" vì mẫu sản phẩm dính SARS-CoV-2
01:28, 15/03/2022
Dư địa tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2022
04:00, 09/02/2022
Xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 sẽ ra sao?
03:30, 17/01/2022
Ảm đạm triển vọng ngành thủy sản
04:00, 08/01/2022