Với sự không chắc chắn về các biến thể mới của Covid-19, kế hoạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 vẫn khiêm tốn ở mức 8,73 tấn về sản lượng và 9 tỷ USD về giá trị (không tăng trưởng).
>>Xuất khẩu thuỷ sản cuối năm: Tín hiệu tích cực từ các thị trường
Theo đánh giá của nhóm phân tích CTCK SSI, kỳ vọng năm 2022 sẽ tương tự như năm 2021 ở một số khía cạnh: một là, nhu cầu tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế; hai là, áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và ba là chi phí vận chuyển cao. Tuy nhiên, ở điểm thứ ba, giá cước có thể trở về bình thường sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết trong quý 2/2022 (theo dự báo của McKinsey).
Ngoài thị trường Mỹ, SSI kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Châu Âu và Trung Quốc sẽ mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc. Do đó, giá bán bình quân kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi.
Quan sát cho thấy giá cá nguyên liệu tăng 13% so với cùng kỳ và 8% so với quý trước trong quý 4/2021 do nguồn cung thiếu hụt do diện tích nuôi giảm khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hôi trong quý 3/2021. Dữ liệu của AgroMonitor (Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam) cho thấy nguồn cung cá tra giảm -14% so với cùng kỳ trong tháng 11 tháng 2021.
Theo VASEP, diện tích nuôi cá tra giảm 30-50% so với cùng kỳ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời trong quý 1/2022. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu và có thể làm giảm biên lợi nhuận của các công ty sản xuất trong quý 1/2022 vì rất khó để chuyển hoàn toàn sang giá bán bình quân.
>>Xuất khẩu thủy sản sang EU: Đâu là mặt hàng chủ đạo?
Do chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng và giá cá nguyên liệu đã tăng nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong quý 2/2022. Ước tính VHC (CTCP Vĩnh Hoàn) đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021/2022 là 25,7%/ 30,1% so với cùng kỳ dựa trên giả định giá bán bình quân cá tra philê tăng 10% trong năm 2022, trong khi mảng wellness và SGC (CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang) dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu thuần lần lượt là +9% và +10% so với cùng kỳ.
Chúng tôi ước tính CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021/2022 là 18,6%/49% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng tăng +25% so với cùng kỳ từ việc mở rộng công suất gần đây, trong khi giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022. Do ngành thủy sản đã được định giá lại để phản ánh sự thay đổi trong năm 2021 và động lực tích cực trong năm 2022, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều thách thức để ngành được định giá lại tiếp do những biến động và tính chất chu kỳ vốn có của ngành….
Năm 2021, chuỗi giá trị thủy sản tiếp tục bị gián đoạn, gây tác động tiêu cực đến nguồn cung và logistics của ngành thủy sản, trong khi nhu cầu đã tăng dần tại các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu do HORECA dần mở cửa trở lại trong năm. Các biện pháp giãn cách xã hội ở Việt Nam trong quý 3/2021 đã ảnh hưởng đến ngành thủy sản quy mô nhỏ và gây ra tình trạng thiếu lao động cho các công ty. Các nhà sản xuất phải đối mặt với áp lực chi phí lạm phát, bao gồm cả nguyên liệu thô và thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, hầu hết các công ty xuất khẩu (đặc biệt là các công ty ở châu Á) phải chịu chi phí gia tăng do thiếu container, giá cước vận chuyển tăng (chi phí vận chuyển từng chiếm 1,5% doanh thu so với 4,5% doanh thu trong năm 2021 của các công ty xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam) và tình trạng tắc nghẽn cảng kéo dài.
Trong bối cảnh cạnh tranh đối với tôm, trong khi Ấn Độ vẫn đang vật lộn với sự gián đoạn chuỗi giá trị, thì Ecuador nổi lên với thành công tuyệt đối, tiếp theo là Việt Nam và Indonesia. Xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu tiếp tục tăng mạnh (+23%/+13% so với cùng kỳ), trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc (-25% so với cùng kỳ) vẫn chậm hơn do các quy định nghiêm ngặt về dịch Covid-19 tại các cảng biển Trung Quốc.
Đối với xuất khẩu cá tra, Việt Nam vẫn duy trì vị trí dẫn đầu. Tăng trưởng xuất khẩu được thúc đẩy bởi thị trường Mỹ (+50% so với cùng kỳ) cả về sản lượng và giá, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc (thị trường lớn nhất) và Châu Âu (mặc dù đã có Hiệp định EVFTA) vẫn kém khả quan (-26%/-20% so với cùng kỳ). Giá cá tra chạm đáy trong quý 4/2020, sau đó dần phục hồi trở lại. Giá cá tra bình quân tại Mỹ hiện đạt 3,40 USD/kg (tăng 50% so với cùng kỳ), tương đương 75% mức giá đỉnh trong năm 2018.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng 2021 đạt 8 tỷ USD (+3,7% so với cùng kỳ), trong khi xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD (+2,9% so với cùng kỳ) và kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD (+2,5 % so với cùng kỳ).
Ngành thủy sản đã công bố mức tăng trưởng hàng tháng đáng khích lệ kể từ tháng Ba. Chỉ đến khoảng tháng 8 thì các biện pháp giãn cách mới được áp dụng trên cả nước. Do đó, cả xuất khẩu cá tra và tôm đều giảm đáng kể so với mức cơ sở thấp trong quý 3/2020 (cá tra: -36% so với cùng kỳ trong tháng 9 và tôm: -28% so với cùng kỳ trong tháng 8). Tuy nhiên, sự phục hồi đang diễn ra và kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt mức cao nhất trong tháng 11/2021 (178 triệu USD, +23% so với cùng kỳ) khi các nhà máy đạt mức công suất bình thường.
Có thể bạn quan tâm