Kiến nghị

Quy định kích thước cá ngừ vằn: Doanh nghiệp “đứng hình” vì quy chuẩn nội địa?

Bài và Ảnh: Hương Giang 28/05/2025 09:05

Hàng nghìn tàu bè của ngư dân và doanh nghiệp chế biến cá ngừ đóng hộp xuất khẩu tại 12 tỉnh, TP không thể xuất khẩu sang thị trường EU vì “vướng” quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn.

Doanh nghiệp “đứng hình” …

Đáng chú ý, các quy định này đều không bị rằng buộc bởi thông lệ quốc tế cũng như quy định bắt buộc của khối liên minh châu Âu. Tuy nhiên, việc quy định kích thước tối thiểu đối với cá ngừ vằn tại Việt Nam, lại đang là rào cản khiến các doanh nghiệp chế biến cá ngừ hộp của Việt Nam không thể xuất khẩu sang thị trường EU. Một thị trường được đánh giá tiềm năng và với sự nỗ lực trong 10 năm làm thị trường, nhưng nay vì quy chuẩn nội địa mà buộc phải dừng, là điều rất đáng lưu ý.

Hình cá ngừ
Hàng nghìn tàu bè của ngư dân và doanh nghiệp chế biến cá ngừ đóng hộp xuất khẩu tại 12 tỉnh, TP không thể xuất khẩu sang thị trường EU vì “vướng” quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn.

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Năm 2024, xuất khẩu (XK) cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU sau khi tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm đã liên tục sụt giảm trong những tháng cuối năm. Tính riêng trong quý 4/2024, XK cá ngừ đóng hộp, đạt gần 17 triệu USD. Tính cả năm 2024, kim ngạch XK cá ngừ đóng hộp sang EU chỉ đạt gần 74 triệu USD.

Sự sụt giảm đáng kể này khởi nguồn kể từ sau khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 19/5/2024, với quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác (biện pháp quản lý) chưa phù hợp đối với các loài hải sản, trong đó có cá ngừ vằn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của ngư dân và doanh nghiệp, gia tăng thêm các gánh nặng kinh tế cho chuỗi sản xuất liên quan.

Chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hưng Hoà - Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng cho biết, sau khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định kích thước tối thiểu đối với cá ngừ vằn và có hiệu lực vào ngày 19/5/2024, doanh nghiệp đã phải giảm 50% công suất chế biến của nhà máy, gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như hiệu suất đầu tư máy móc của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.

“Việc quy định kích thước tối thiểu đối với cá ngừ vằn khiến hàng nghìn tàu bè của ngư dân và doanh nghiệp chế biến cá ngừ đóng hộp xuất khẩu tại 12 tỉnh, thành phố “đứng hình” vì không thể xuất khẩu sang thị trường EU, là điều rất đau lòng. Bình quân, mỗi tháng công ty Nguyễn Hưng mất khoảng 200 tỉ đồng ở thị trường này do không xuất khẩu được. Do đó, nếu việc này không được tháo gỡ sớm và tiếp tục kéo dài, thì doanh nghiệp không còn cách nào khác là buộc phải cắt giảm nhân công để đảm bảo an toàn vốn của doanh nghiệp là khả năng cao”, ông Hoà chia sẻ.

cá ngừ 3
Ông Nguyễn Hưng Hoà - Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng: sau khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định kích thước tối thiểu đối với cá ngừ vằn và có hiệu lực vào ngày 19/5/2024, doanh nghiệp đã phải giảm 50% công suất chế biến của nhà máy, gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như hiệu suất đầu tư máy móc của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.

Cũng theo ông Hoà, hiện nay ngư dân tỉnh Bình Định là người bị thiệt hại lớn nhất, với hơn 6.000 tàu đánh bắt cá ngừ, nhưng đều bị ách tắc. Cá ngừ của ngư dân khai thác ở các tỉnh liên quan đến Nghị định số 37/2024/NĐ-CP đều không thể xuất khẩu được vì các cảng cá, chi cục không cấp giấy chứng nhận S/C, C/C. Một hệ luỵ khác là sau khi Việt Nam ban hành các quy định trên thì các nước lợi dụng việc này để ép giá các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bình quân, các nước xuất khẩu sang thị trường EU đang tính với giá 35.000 - 37.000 đ/kg, nhưng Việt Nam bị ép giá và chỉ còn 25.000 - 27.000 đ/kg, khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận.

Vì “vướng” quy chuẩn nội địa?

“Chúng ta đưa ra quy định về kích thước tối thiểu đối với cá ngừ vằn, trong khi, các quy định này đều không bị rằng buộc bởi thông lệ quốc tế cũng như quy định bắt buộc của khối liên minh châu Âu, là hết sức bất cập. Những quy định này đã tạo sân chơi rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp trong khu vực. Song, chúng ta lại vô tình “siết” các doanh nghiệp Việt Nam thì chẳng khác nào chúng ta “tự lấy đá ghè chân mình”, ông Hoà bức xúc.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Triển - Giám đốc Công ty CP đồ hộp Tấn Phát, cho biết khi áp dụng Nghị định 37 quy định về kích thước trong khai thác cá ngừ vằn, doanh nghiệp đã không đủ cá để sản xuất thực phẩm đóng hộp để xuất khẩu sang Mỹ, Trung Đông...

Theo ông Triển, kích thước cá ngừ vằn phổ biến là 20cm, trong khi cá có kích thước 50cm chiếm tỉ lệ rất ít. Do đó, nếu áp dụng Nghị định 37, doanh nghiệp sẽ không đủ nguyên liệu để sản xuất đồ hộp xuất khẩu dẫn đến công nhân, dây chuyền bị “đứng hình”.

cá ngừ 2
“Ngày 14/11/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 8369/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hiệp hội VASEP và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 37. Tuy nhiên, tới nay (tháng 5/2025), các vấn đề này vẫn chưa được tháo gỡ.

Liên quan tới những bất cập tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, Ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, cho rằng quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn đã gây ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp và ngư dân. Trong đó, ngư dân hành nghề lưới vây sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì không thể chọn được con cá ngừ vằn to trong quá trình đánh bắt, trong khi cá ngừ vằn nhỏ chiếm hơn 95%.

Cũng theo ông Đáp, trước những bất cập trên, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và 12 địa phương từ tháng 9/2024. Và trong phiên họp ban chỉ đạo IUU, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện văn bản trình Thủ tướng.

“Ngày 14/11/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 8369/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hiệp hội VASEP và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 37. Tuy nhiên, tới nay (tháng 5/2025), các vấn đề này vẫn chưa được tháo gỡ, khiến các doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu, là điều rất đáng tiếc”, ông Đáp thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy định kích thước cá ngừ vằn: Doanh nghiệp “đứng hình” vì quy chuẩn nội địa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO