Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường EU?

Đình Đại 24/04/2025 14:21

Doanh nghiệp cần cải thiện năng lực để tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan và gia tăng kim ngạch để khai thác triệt để các FTA.

Đó là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "Thúc đẩy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững tại Việt Nam" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/04, tại TP HCM.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu và doanh nghiệp tham dự - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Việt Hà - Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu nhiều nhất, với 284 vụ việc, trong đó, Chống bán phá giá: 155 vụ việc; Chống trợ cấp: 31 vụ việc; Tự vệ: 59 vụ việc; Chống lẩn tránh thuế: 39 vụ việc.

Theo bà Hà, các vụ điều tra chống bán phá giá và tự vệ chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm tỉ lệ tương ứng là 64,8% và 23,9%. Điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng và trở thành một công cụ bảo hộ được các nước đặc biệt Hoa Kỳ, ngày càng áp dụng nhiều.

“Các vụ việc điều tra chống trợ cấp chiếm tỷ lệ nhỏ hơn do tính chất phức tạp của vụ việc, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng do hiệu ứng domino, xu hướng bảo hộ”, bà Hà chia sẻ.

Nêu thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của EU đối với Việt Nam, bà Hà cho biết số lượng vụ việc phòng vệ thương mại EU điều tra với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: Chống bán phá giá là (7,41%); Chống trợ cấp (7,41%); Chống lẩn tránh (1,6%); và Tự vệ (2,12%).

baha.jpg
Bà Nguyễn Việt Hà cho rằng, các vụ việc điều tra chống trợ cấp chiếm tỷ lệ nhỏ hơn do tính chất phức tạp của vụ việc, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng do hiệu ứng domino, xu hướng bảo hộ - Ảnh: Đình Đại.

Từ đó, bà Hà nên một số lưu ý và khuyến nghị cho doanh nghiệp, cụ thể: Trước vụ việc, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định, thủ tục, thực tiễn điều tra chống bán phá giá của nước nhập khẩu. Theo dõi thông tin cảnh báo sớm để có chiến lược xuất khẩu phù hợp cho từng giai đoạn; thiết lập kênh thông tin với đối tác nhập khẩu, Hiệp hội, ngành hàng để cập nhật các vụ việc, tình huống phát sinh;

Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế; Theo sát thủ tục các đợt rà soát hành chính và rà soát nhà xuất khẩu mới để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp;

Nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm được tạo ra tại doanh nghiệp.

Trong và sau vụ việc, doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài; Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương để xây dựng chiến lược xử lý vụ việc, đảm bảo thông tin cung cấp thống nhất, phối hợp và hỗ trợ khi cần thiết. Chuẩn bị tốt cho quá trình thẩm tra tại chỗ, gửi bình luận và phản biện đúng hạn đối với Kết luận sơ bộ; Theo sát thủ tục các đợt rà soát hành chính và rà soát nhà xuất khẩu mới để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cũng nêu một số kiến nghị cho xuất nhập khẩu năm 2025.

ongcuong.jpg
Ông Nguyễn Hoa Cương phát biểu tham luận tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Đối với các doanh nghiệp: Thứ nhất, tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Mở rộng thị trường xuất khẩu mới: giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, và Trung Quốc. Các thị trường như châu Phi, Trung Đông, và một số quốc gia ASEAN có thể là cơ hội tốt.

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp cần cải thiện năng lực để tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan và gia tăng kim ngạch để khai thác triệt để các FTA đã ký kết: như EVFTA, CPTPP, RCEP.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong xuất nhập khẩu. Cải cách thủ tục hành chính và logistics: tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa các thủ tục hải quan và vận chuyển, giúp giảm chi phí và thời gian cho hoạt động xuất nhập khẩu. Các hệ thống điện tử như e-ports và các dịch vụ trực tuyến có thể giúp nâng cao hiệu quả.

Sử dụng công nghệ blockchain và số hoá quy trình chứng nhận xuất xứ: ứng dụng trong quản lý chuỗi cung ứng, xác thực xuất xứ hàng hóa, và minh bạch hóa thông tin sẽ giúp tăng cường tính an toàn và tin cậy trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm và GTGT. Đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại: Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu chi phí sản xuất giúp cạnh tranh tốt hơn.

Chuyển dịch sang sản phẩm có GTGT cao. Thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, cần tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, có GTGT cao: sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm chế biến sẵn.

Thứ tư, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đào tạo kỹ năng cho lao động xuất khẩu. Tạo ra các chương trình đào tạo chuyên sâu về xuất, nhập khẩu, quản lý chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế, giúp đội ngũ nhân lực trong ngành có thể làm việc hiệu quả hơn.

Tăng cường đào tạo cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ đào tạo để hiểu rõ các quy định quốc tế, cải thiện quản lý chất lượng và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản.

Thứ năm, cải thiện hạ tầng logistics. Cải thiện cơ sở hạ tầng vận tải biển, đường bộ và đường sắt, nâng cao năng lực của các cảng biển và sân bay, giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa; Cải thiện các dịch vụ kho bãi và logistics, đặc biệt là các kho lạnh cho sản phẩm nông sản và thủy sản.

Đối với khu vực công: Thứ nhất, cải cách hành chính và thủ tục. Hoàn thiện khung pháp lý về thuế xuất nhập khẩu, đặc biệt là công nhận tiêu chuẩn quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác công - tư trong các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo.

Thứ hai, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ tín dụng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các doanh nghiệp cải thiện khả năng tài chính và mở rộng quy mô xuất khẩu. Khuyến khích đầu tư vào các ngành xuất khẩu trọng điểm: công nghệ thông tin, điện tử, thực phẩm chế biến, và nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin nhằm tận dụng ưu đãi từ EVFTA qua các chương trình đào tạo và tọa đàm chuyên sâu về hiệp định.

Thứ ba, chú trọng bảo vệ và phát triển thương hiệu quốc gia. Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua các chiến dịch marketing quốc tế, các hội chợ thương mại và sự kiện quốc tế sẽ giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường EU?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO