Trung Quốc dẫn đầu nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực AI

CẨM ANH 22/05/2024 03:00

Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập các học viện trí tuệ nhân tạo (AI) độc lập ở Thượng Hải và Bắc Kinh để đào tạo nguồn nhân lực cần thiết nhằm phát triển lĩnh vực AI.

>> Giám đốc IMF cảnh báo AI “tấn công” thị trường lao động

Ngành giáo dục Trung Quốc đã triển khai dạy AI ở bậc tiểu học từ niên học 2018 - 2019. Ảnh: China Daily News

Ngành giáo dục Trung Quốc đã triển khai dạy AI ở bậc tiểu học từ năm học 2018 - 2019. Ảnh: China Daily News

SCMP đưa tin, ông Zhu Songchun, đại biểu tham dự Hội nghị tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và là Trưởng khoa Khoa học và công nghệ tình báo tại Đại học Bắc Kinh cho biết, Bộ Giáo dục Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy việc thành lập thêm các viện về AI ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp Trung Quốc.

Ông Zhu cũng kêu gọi các viện hàn lâm của Trung Quốc chào đón cộng đồng toàn cầu như một phần trong nỗ lực dẫn dắt đổi mới công nghệ của đất nước. "Trung Quốc nên xây dựng cộng đồng học thuật vững mạnh và tăng cường nỗ lực thu hút nhân tài quốc tế”, ông Zhu nói thêm.

Theo chuyên gia này, lĩnh vực AI đang là trọng tâm trong cạnh tranh công nghệ toàn cầu; đồng thời AI cũng đang mang lại cả thách thức cũng như cơ hội cho việc cải thiện chất lượng dân số, thị trường việc làm, cải cách giáo dục và đổi mới công nghệ của Trung Quốc.

Ông Zhu cho rằng Trung Quốc nên đảm bảo các chuyên gia và sinh viên nước ngoài nhận được sự đối xử công bằng như công dân Trung Quốc nếu họ sống và tìm việc làm ở quốc gia này. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất các tổ chức tư nhân tham gia vào nỗ lực thu hút nhân tài AI toàn cầu.

Cuộc đua xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao nổi lên khi AI trở thành trọng tâm trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hiện nay, Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nỗ lực trong việc xây dựng lực lượng công nghệ tài năng chất lượng cao, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Trước đó, trong kế hoạch hành động 3 năm được Trung Quốc đưa ra nhằm đào tạo và thu hút nhân lực kỹ thuật số, quốc gia này sẽ triển khai một loạt chương trình và chiến dịch cho đến năm 2026 để đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật số trong các lĩnh vực bao gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh, mạch tích hợp và bảo mật dữ liệu.

Kế hoạch này cũng nhằm mục đích thu hút nhân tài kỹ thuật số chất lượng cao nước ngoài, hỗ trợ những nhân tài trở về nước bắt đầu kinh doanh đổi mới để phục vụ đất nước.

>> Những công việc nào sắp bị thay thế bởi AI?

việc ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp đang gây ra tình trạng thiếu lao động.

Việc ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp đang gây ra tình trạng thiếu lao động ở Trung Quốc.

Kế hoạch hành động này cũng nhằm mục đích đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế kỹ thuật số, mở đường cho “lực lượng sản xuất mới”- thuật ngữ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm ngoái.

Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao. Dữ liệu từ sách trắng do Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) cho thấy, ngành công nghiệp bán dẫn của nước này ước tính sẽ thiếu hụt 200.000 công nhân trong năm nay.

Theo kế hoạch 3 năm, Trung Quốc sẽ giới thiệu các chức danh chuyên môn dành cho kỹ sư kỹ thuật số, phát triển đào tạo kỹ thuật viên và công nhân phù hợp với nhu cầu của các công ty và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực kỹ thuật số.

Các trường đại học Trung Quốc được yêu cầu giới thiệu các chuyên ngành mới liên quan đến kinh tế kỹ thuật số cho các sinh viên và cải thiện việc đào tạo liên ngành. Theo kế hoạch, các chính quyền địa phương được khuyến khích cung cấp các ưu đãi cho người lao động trong các ngành công nghệ mới, bao gồm các biện pháp hỗ trợ về nhà ở, vốn đầu tư, trường học cho con cái của người lao động và việc làm cho vợ/chồng của người lao động.

Các chuyên gia nhận định, đây là một bước đi đúng hướng để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc làm của Trung Quốc. Ông Zeng Xiangquan, Giáo sư kinh tế lao động và là Giám đốc Viện Nghiên cứu việc làm Trung Quốc ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói: “Sự chuyển đổi nghề nghiệp từ lĩnh vực internet sang các ngành công nghiệp mới nổi này, dù đó là y sinh học hay bán dẫn, là điều phải thực hiện. Nhưng rất khó để dự đoán có bao nhiêu người sẽ bị thu hút bởi những chương trình này”.

Có thể bạn quan tâm

  • Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    03:30, 22/04/2024

  • Trí tuệ nhân tạo bước đệm phát triển vững chắc cho công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Trí tuệ nhân tạo bước đệm phát triển vững chắc cho công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    14:08, 09/04/2024

  • “Cuộc chiến giá” trong ngành điện toán đám mây Trung Quốc

    “Cuộc chiến giá” trong ngành điện toán đám mây Trung Quốc

    03:30, 20/05/2024

  • "Bí quyết" thành công của Trung Quốc trong công nghệ sạch

    03:00, 29/04/2024

  • Trung Quốc sẽ dẫn đầu thị trường ô tô bay toàn cầu?

    Trung Quốc sẽ dẫn đầu thị trường ô tô bay toàn cầu?

    03:30, 28/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc dẫn đầu nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO