Tại Việt Nam, xe máy xăng đóng góp khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính phương tiện giao thông đường bộ. Cần có các biện pháp can thiệp, để chuyển sang xe máy điện.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 85% tổng phát thải khí nhà kính, của toàn ngành giao thông vận tải. Trong đó, xe máy đóng góp khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính của các phương tiện giao thông đường bộ, đứng thứ 2 sau ô tô tải.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 75 triệu xe máy các loại đăng ký lưu hành, trong đó hơn 70 triệu chiếc là xe máy xăng. Quá trình đốt cháy xăng của xe máy là tác nhân gây ra phát thải khí nhà kính lớn trong lĩnh vực giao thông.
Ngân hàng thế giới nhận đinh, từ nay đến năm 2035, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam, dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm. Ước tính có tổng cộng khoảng 32 triệu xe máy các loại sẽ được bán ra tại Việt Nam từ nay tới năm 2035. Sau đó sẽ giảm xuống chỉ còn 9,6 triệu xe bán ra trong giai đoạn từ 2035-2050. Tuy vậy, đến năm 2040, tổng lượng xe máy đăng ký cả nước sẽ vào khoảng 110 triệu chiếc trên tổng số 128 triệu dân.
Vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải”, thông qua Quyết định 876/QĐ-TTg. Với giao thông đường bộ, Quyết định 876/QĐ-TTg của Chính phủ đặt ra lộ trình: đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, toàn bộ 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tính toán của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới cho thấy, để đạt được mục tiêu giảm phát thải trong ngành giao thông mà Chính phủ đặt ra tại Quyết định 876/QĐ-TTg, riêng lĩnh vực xe máy, doanh số bán xe máy điện phải đạt từ 12-16 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 - 2035, tương ứng với tỷ lệ 42%- 56% tổng doanh số bán xe hai bánh.
Muốn đạt con số này thì doanh số bán bình quân giai đoạn 2024 - 2035 phải đạt bình quân từ 1-1,3 triệu xe máy điện các loại/năm. Năm 2024 doanh số bán chỉ đạt khoảng 400 ngàn xe.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nhu cầu, xe điện hai bánh sẽ tăng trưởng chậm và doanh số đạt đỉnh khoảng 515 ngàn xe/năm vào năm 2030. Như vậy mục tiêu đặt ra tại Quyết định 876/QĐ-TTg sẽ không thành hiện thực.
Thị trường cung ứng xe máy điện ở Việt Nam hiện khá đa dạng và sôi động, với nhiều nhà cung cấp cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Mức độ đón nhận của người tiêu dùng đối với xe máy điện cũng khá cao, đặc biệt là ở thành thị. Tuy nhiên, rào cản chính đối với việc phổ biến xe điện hai bánh nhanh chóng trên quy mô lớn là giá bán cao hơn so với xe máy xăng.
Xe điện sử dụng pin a-xit chì có giá đã tương đương với xe máy xăng nhưng những mẫu xe điện hai bánh đó lại không thực sự có hiệu suất vận hành tương đương. Còn xe máy điện sử dụng pin li-ion sẽ cho hiệu suất tương đương với xe tay ga sử dụng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, giá mua của xe máy điện này cao hơn xe máy xăng.
Ngoài chênh lệch về giá, mối lo ngại về an toàn pin cũng là rào cản lớn cho việc sử dụng xe máy điện. Xe máy điện có nguy cơ cháy nổ hoặc điện giật, Ngân hàng thế giới nhận xét.
Vì vậy, cần có các biện pháp can thiệp với những chính sách then chốt, để thúc đẩy người dân chuyển nhanh sang xe máy điện.
Chính phủ cần công bố các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ sử dụng xe máy điện trong thời gian tới, để tạo ra một tín hiệu mạnh mẽ cho thị trường, từ đó thúc đẩy việc chuyển đổi nhanh chóng. Phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông xanh. Hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi mua xe máy điện. Giảm chênh lệch giá giữa xe máy điện và xe máy xăng. Đưa ra các khoản trợ cấp của Chính phủ cho các ngân hàng, để cung cấp lãi suất ưu đãi mua xe máy điện. Đưa ra các chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, để loại bỏ xe máy xăng cũ. Đưa ra các ưu đãi phi tài chính để khuyến khích việc sử dụng xe máy điện, chẳng hạn như dành làn đường riêng, ưu tiên chỗ gửi xe, ưu tiên đăng ký, khu vực dành riêng cho xe điện… Công bố lệnh cấm bán mới đối với xe máy xăng vào trước năm 2030. Hoàn thiện tiêu chuẩn an toàn và quy trình kiểm định xe máy điện. Thiết lập quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn cho sạc pin xe máy điện. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xe máy điện có công suất lớn và phạm vi hoạt động rộng.
Trong khi đó, ông Andy Wong, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Avnet châu Á của Singapore cho rằng, Việt Nam có hơn 70 triệu xe máy xăng, do vậy cần quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh. Có thể thực hiện bằng cách khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang mua các phương tiện chạy điện. Chính phủ cần đặt ra lộ trình cụ thể, chẳng hạn như mỗi năm chuyển đổi bao nhiêu xe máy xăng sang xe máy điện, giống như các nước lân cận đang làm. Khi có lộ trình cụ thể, cùng hệ thống chính sách thúc đẩy mạnh mẽ, để nhà sản xuất và người dân nắm bắt được rõ ràng, kỷ nguyên xe máy điện sẽ đến.