Từ tháng 7/2026, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ chính thức bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 của Hà Nội. Đến năm 2028, quy định này sẽ mở rộng sang cả ô tô cá nhân chạy xăng, dầu.
Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam và giảm ô nhiễm đô thị nghiêm trọng tại thủ đô.
Tuy nhiên, khi thời gian còn chưa đầy một năm, nhiều ý kiến cho rằng thành phố vẫn chưa có một kế hoạch hành động rõ ràng, đồng bộ, để đảm bảo người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, không trở thành "nạn nhân bất đắc dĩ" của một chính sách đúng đắn.
Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy, chiếm phần lớn trong tổng số phương tiện giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại, lao động và vận chuyển của hàng triệu người. Với nhiều tiểu thương, lao động tự do, sinh viên và công nhân, chiếc xe máy không chỉ là phương tiện mà còn là công cụ mưu sinh, là tài sản lớn. Việc cấm xe máy chạy xăng, nếu chưa có phương án thay thế rõ ràng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, làm tăng chi phí sống và tạo ra những bất công không đáng có trong xã hội.
Do đó, chính quyền Hà Nội cần sớm công bố cụ thể phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Ví dụ, có chính sách ưu đãi tài chính cụ thể để đổi xe cũ lấy xe điện mới, miễn giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện, hay thậm chí là thu mua xe máy cũ nát để tái chế. Với nhóm thu nhập thấp, mức hỗ trợ cần thiết thực và dễ tiếp cận, thay vì những gói hỗ trợ khó triển khai trên thực tế.
Một thực tế khác cũng đáng lưu tâm: nhiều chung cư hiện cấm để xe máy điện trong tầng hầm vì lo cháy nổ khi sạc. Nếu không có giải pháp đồng bộ về an toàn phòng cháy chữa cháy, quy hoạch trạm sạc và hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn, việc thay thế xe xăng bằng xe điện sẽ lâm vào thế bế tắc. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan như Bộ Xây dựng, ngành điện lực, quản lý đô thị… chứ không chỉ riêng thành phố.
Chuyển đổi giao thông cá nhân sang giao thông công cộng là xu hướng tất yếu, nhưng không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Hà Nội hiện mới có 2 tuyến metro hoạt động và mạng lưới xe buýt dù được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng hỗ trợ như bãi đỗ xe, điểm trung chuyển, làn ưu tiên cho xe buýt… vẫn còn thiếu và manh mún.
Chuyên gia giao thông TS. Đinh Thị Thanh Bình (ĐH Giao thông Vận tải) cho rằng, thành phố cần khẩn trương quy hoạch và triển khai các điểm sạc công cộng có quy mô lớn, tương tự như trạm xăng hiện nay, hỗ trợ nhiều loại xe điện. Đồng thời, hệ thống bãi đỗ xe trung chuyển ở vùng giáp ranh cũng cần được xây dựng gấp để người dân ngoại thành gửi xe và kết nối với metro, buýt một cách thuận tiện, giá cả hợp lý, minh bạch.
Một số đề xuất khác cũng được nêu như phát triển các loại hình giao thông trung chuyển mini 10-12 chỗ, tổ chức xe đưa đón học sinh, công nhân tại các khu công nghiệp hoặc trường học, vừa giảm áp lực giao thông giờ cao điểm, vừa hạn chế sử dụng xe cá nhân.
Chuyển đổi giao thông không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà là cuộc cách mạng về tư duy và cách tổ chức xã hội. Muốn thành công, Hà Nội cần chi tiết từng bước cụ thể, công bố công khai số lượng phương tiện cần thay thế, các điểm sạc được quy hoạch, ngân sách dự kiến và tiến độ triển khai. Bên cạnh đó là cơ chế giám sát minh bạch để đảm bảo mọi chính sách đều đến được đúng đối tượng.
Lộ trình cấm xe máy xăng tại Hà Nội là bước tiến cần thiết để xây dựng một đô thị xanh - sạch - đáng sống. Tuy nhiên, không thể chỉ dừng lại ở “mục tiêu lớn” mà thiếu đi các bước hành động cụ thể, khả thi và nhân văn. Cấm xe máy xăng không phải là sự chấm dứt một phương tiện, mà là khởi đầu cho một mô hình giao thông văn minh, công bằng, hiện đại - nơi quyền lợi và sinh kế của người dân phải luôn được đặt ở trung tâm. Đây sẽ là phép thử với năng lực điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền Thủ đô trong một giai đoạn chuyển mình đầy thách thức.