Khủng hoảng kinh tế khiến người tiêu dùng dè dặt hơn khi quyết định chi tiêu, tuy nhiên Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
>>Lạm phát thách thức doanh nghiệp bán lẻ
Mới đây, Tập đoàn Central Retail (CRC) của Thái Lan cho biết sẽ đầu tư 50 tỉ baht (khoảng 1,45 tỉ USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để mở rộng sự hiện diện tại thị trường này. Đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất mà CRC đổ vào Việt Nam từ trước đến nay.
Theo Giám đốc điều hành CRC Yol Phokasub cho biết Tập đoàn Central Retail (CRC), Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao với kinh tế tăng trưởng liên tục.
Thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính trị giá 49,7 tỉ USD mỗi năm và đang tăng trưởng với tốc độ 10-12%/năm. Mặc dù đã có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam, với tiềm năng lớn của Việt Nam, CRC quyết định cần phải củng cố hơn nữa vị thế tại thị trường này.
Trước đó, CRC đã đầu tư hơn 10 tỉ baht (290 triệu USD) để mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2022. "Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các tín hiệu không chắc chắn của thế giới", ông Olivier Langlet, giám đốc điều hành của Central Retail Việt Nam, nói với Bangkok Post.
Theo dự đoán của ông này, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt lần lượt là 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024, so với mức trung bình 3,5%/năm của Thái Lan trong hai năm tới. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Theo kế hoạch mở rộng, Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 tại 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2. Đồng thời sẽ lắp các tấm pin mặt trời trên mái 20 trung tâm thương mại, lắp thêm các trạm sạc cho xe điện và giảm sử dụng túi nilon trong thời gian tới.
Bên cạnh Central Retail Corporation nhiều nhà bán lẻ khác cũng dự kiến tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại vào năm 2025 nhằm tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm. Nhà bán lẻ này đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm thương mại và các cửa hàng khác tại Việt Nam nhằm thu hút tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Thực tế, câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngành bán lẻ không hề mới, mà đã diễn ra từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì rõ ràng thị trường Việt Nam phải rất tiềm năng và hấp dẫn, các ông lớn mới mạnh tay rót vốn đến vậy.
Ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
>>Ngôi đầu thị trường bán lẻ đổi chủ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 1/2023 đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng trên 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước.
Nhưng về quy mô của kênh bán lẻ hiện đại đang còn rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 25% trên tổng quy mô thị trường. Số cửa hàng tự chọn như siêu thị mini hiện có 4.000. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là khá cao như: Thái Lan 48%, Phillipines 75% và Singapore 80%...
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Thường trực WinCommerce chia sẻ: Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ thì việc xây dựng được các kênh bán lẻ của người Việt cũng là điều vô cùng quan trọng. Thách thức hiện hữu của các nhà bán lẻ nội địa chính là năng lực cạnh tranh với các nhà bán lẻ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về quy mô không chỉ ở Việt Nam mà cả chuỗi liên kết toàn cầu giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ FDI.
Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp bán lẻ cần có sự chủ động dự trữ hàng hóa, cân đối cung cầu bằng cách bắt tay với các hợp tác xã, người nông dân để vừa có được nguồn hàng với giá cả ổn định, vừa giải quyết được tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp xác định khách hàng ở đâu thì doanh nghiệp xuất hiện ở đó nên phát huy bán hàng đa kênh để không bỏ lỡ bất kỳ khách hàng tiềm năng nào vào tay đối thủ, cung cấp trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm