Dự án đường sắt

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ được bàn giao ngày 31/3/2021.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nghiệm thu cơ sở và khắc phục, hoàn chỉnh theo quy định cho phép, đồng thời kiểm đếm về tài sản.

Dự kiến, đến cuối tháng 3 dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho TP Hà Nội để khai thác thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, từ ngày 12/12 - 31/12/2020, Tổng thầu EPC Trung Quốc đã thực hiện vận hành thử dự án với 5.700 chuyến tàu an toàn trên tổng số hơn 70.000 km.

Quá trình chạy thử này tuân thủ theo đúng biểu đồ vận hành chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu/ngày, khung giờ cao điểm từ 5 - 6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5h đến 23h hằng ngày dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập của Pháp, các cơ quan chức năng và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.

Tàu

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có 20 ngày vận hành thử

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, sau 20 ngày vận hành thử các đơn vị thực hiện đã hoàn thành đúng đủ toàn bộ nội dung theo đề cương.

Tỉ lệ đúng giờ và chuyến/lượt đã đạt 99,6% đến 99,8%, bảo đảm hơn 70.000 km vận hành an toàn. Về nhân lực đã vào đúng các vị trí của dự án, theo đánh giá chung thì đã thực hiện vận hành tốt trong các điều kiện bình thường và có thể xử lý, khắc phục được các lỗi đơn giản.

Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật lớn vẫn cần có sự hỗ trợ của chuyên gia hướng dẫn. Do đó, sau khi Hà Nội tiếp nhận, các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ cùng vận hành trong một năm.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Hồng Phương - quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, việc hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày vừa qua là dấu mốc quan trọng để dự án bước vào giai đoạn vận hành thương mại.

Hiện, dự án còn tiếp tục phải hoàn thiện hồ sơ tài liệu, khắc phục hiện trường, thực hiện nghiệm thu, báo cáo... Các nội dung này cần tập trung giải quyết cùng lúc, trong thời gian rất ngắn và có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cấp có thẩm quyền.

Vì vậy, Ban Quản lý dự án đường sắt đường sắt yêu cầu Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát, Hà Nội Metro cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phối hợp tốt trong quá trình thực hiện các công việc còn lại.

Mới đây nhất, khi trao đổi với VietNamNet, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay các bên liên quan đang nỗ lực hoàn tất công tác nghiệm thu, đánh giá an toàn để báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.
 
Tư vấn Pháp sau khi có mặt đánh giá hiện trạng dự án sẽ sớm hoàn tất báo cáo đánh giá an toàn.  “Dù các chuyên gia Pháp đã về nước nhưng đại diện của tư vấn Pháp tại Việt Nam vẫn đang bám sát để hoàn thành báo cáo”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Riêng đối với các nhân sự Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam thực hiện công tác nghiệm thu, nếu cần thiết Tổng thầu sẽ tiếp tục bổ sung thêm người trong thời gian tới.
 
Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết thêm, trong quá trình làm thủ tục còn có những vướng mắc liên quan đến quá trình làm thủ tục, quản lý vận hành. Tuy nhiên, đó không phải là những vấn đề lớn nên sẽ được các bên trao đổi thống nhất, hoàn thiện trước khi dự án được bàn giao cho Hà Nội.
 
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, hiện nay các bên đang tiến hành thực hiện các bước bàn giao theo chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội. Đến 31/3 sẽ ký biên bản bàn giao đưa vào khai thác thương mại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé ĐSĐT và chia thành nhiều khung giá khác nhau.

Cụ thể, vé tháng có hai mức là 100 nghìn đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên) và 200 nghìn đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); Vé không giới hạn số lần sử dụng trong một ngày là 30 nghìn đồng/vé; Vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15 nghìn đồng/ chặng. 

Theo đại diện Hà Nội Metro, sau khi tuyến chính thức vận hành thương mại, đơn vị sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm. Ngoài ra, Hà Nội Metro đã tập trung hoàn thiện bộ máy hoạt động, tuyển dụng, đào tạo nhân lực và in ấn các tài liệu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ.

Để tiếp dự án thực sự hiệu quả, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết ngoài việc phân luồng các tuyến bus, nhằm bảo đảm năng lực tổ chức kết nối đường sắt đô thị, Hà Nội cũng nghiên cứu bổ sung hàng nghìn điểm dừng xe bus, phát triển thêm các điểm trung chuyển… để thu hút người dân dùng vận tải công cộng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13 km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80 km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng).

Ban đầu dự án dự kiến đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.

Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 6-7 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.

Nhân sự vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến gần 700 người. Trong đó, có 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Dự kiến dự án sẽ miễn phí tiền vé trong 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác thương mại để người dân trải nghiệm.