Dù đã có những tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để cắt giảm các thủ tục, giấy phép không cần thiết.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đã có nhiều chỉnh lý.
Cụ thể, về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15 gồm 03 khoản: Khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; Khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; Khoản 3 quy định về nghĩa vụ người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; đồng thời bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí (không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí).
Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình, Dự thảo Luật giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 vì thực tế người xem đã phải trả phí thuê bao cho việc xem truyền hình trả tiền. Ngoài ra, để hỗ trợ tạo nguồn thu, kinh phí bảo đảm cho việc sản xuất các bộ phim có chất lượng phục vụ người xem của Đài truyền hình Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quy định tại Luật Điện ảnh, Dự thảo Luật giữ quy định về việc tăng thời lượng quảng cáo trong các chương trình phim truyện.
Đồng thời, đối với quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới, Dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).
Riêng với quảng cáo xuyên biên giới, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, yêu cầu các chủ thể liên quan thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ và các hình thức khác để xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Ngoài ra, đối với nội dung về quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng ghép Điều 4 và Điều 5 thành 01 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo, đồng thời giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan…
Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi), đồng tình với quan điểm cơ quan soạn thảo đưa ra, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát kỹ thuật, đảm bảo quy định về nguyên tắc nhưng cũng phải đủ rõ để Chính phủ có cơ sở quy định cụ thể khi tổ chức thực hiện.
Tham gia góp ý nội dung Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật. Nghiên cứu để cắt giảm các thủ tục, giấy phép không cần thiết trong lĩnh vực quảng cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần kiểm soát chặt chẽ các nội dung quảng cáo liên quan đến sức khỏe như thuốc, thực phẩm chức năng.
Cùng với đó, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt là tại các nước có thị trưởng quảng cáo phát triển, chuyên nghiệp, hiện đại; đảm bảo hoàn thiện, tạo dựng được hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo.
Xoay quanh nội dung Dự thảo, góp ý xây dựng, hoàn thiện, không ít ý kiến cũng cho hay, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của Dự thảo Luật với các luật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực có liên quan, như: Luật Hóa chất, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…