Từ “trị mụn cấp tốc” đến “cải lão hoàn đồng”, mỹ phẩm đang bị biến tướng thành “thuốc thần kỳ”, đẩy người tiêu dùng vào mê cung của những lời có cánh.
Từ chăm sóc da đến “thần dược” chữa bệnh: Ranh giới bị xóa mờ
Chỉ cần vài phút lướt mạng, không khó để bắt gặp các đoạn livestream hay video quảng cáo mỹ phẩm với những lời lẽ đầy tính “giật gân” như: “trị mụn tận gốc chỉ sau 3 ngày”, “làm trắng da ngay lần đầu sử dụng”, “xóa nhăn tức thì không cần thẩm mỹ”, hay thậm chí “trẻ lại 10 tuổi chỉ sau một liệu trình”.
Những cụm từ này đã trở thành "đặc sản" trong các chiến dịch tiếp thị của nhiều thương hiệu, từ các hãng vô danh bán trên mạng đến những tên tuổi xuất hiện dày đặc trên các sàn thương mại điện tử.
Câu hỏi đặt ra: Liệu những lời quảng cáo ấy có đúng với bản chất của một sản phẩm được xếp loại là “mỹ phẩm” theo quy định của pháp luật?
Câu trả lời từ Bộ Y tế là không. Trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 93/2016/NĐ-CP, Bộ Y tế đã đề xuất nghiêm cấm hàng loạt hành vi và cụm từ bị cho là phóng đại công dụng, gây hiểu lầm hoặc gán ghép tính năng điều trị bệnh cho mỹ phẩm. Danh sách những ngôn từ bị “cấm cửa” bao gồm: “trị nám”, “trị mụn”, “giảm béo”, “trị viêm da”, “cải lão hoàn đồng”, “chống ung thư da”, “100% thiên nhiên”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “không có đối thủ”...
Thực tế, rất nhiều thương hiệu đã “phù phép” mỹ phẩm thành thuốc chữa bệnh bằng nhiều thủ thuật tiếp thị. Một loại serum đang được rao bán với lời giới thiệu: “Trị dứt điểm nám nội tiết chỉ sau 14 ngày”, trong khi thành phần chỉ bao gồm vitamin E, AHA và một số chiết xuất thực vật. Một loại kem dưỡng khác lại quảng cáo có khả năng “kích thích tăng sinh collagen, tái tạo tế bào như tế bào gốc người”.
Sự mập mờ giữa mỹ phẩm và dược phẩm khiến người tiêu dùng không chỉ đặt sai kỳ vọng mà còn có nguy cơ sử dụng sai cách, dẫn đến hậu quả sức khỏe khó lường.
Chị Nguyễn Thị Hà, 34 tuổi, ngụ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết vì tin lời quảng cáo nên mua một bộ sản phẩm làm trắng da cấp tốc. “Sau 10 ngày sử dụng, da tôi nổi mẩn, ngứa và mỏng đỏ. Khi đi khám thì bác sĩ bảo da đã bị tổn thương do dùng mỹ phẩm chứa corticoid quá liều mà không biết”, chị Hà chia sẻ.
Theo chia sẻ từ một số bác sĩ chuyên khoa da liễu tại Hà Nội, số bệnh nhân đến khám vì dị ứng hoặc tổn thương do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai công dụng đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Không ít trường hợp bị nhiễm trùng da, rối loạn sắc tố, hoặc lệ thuộc vào các sản phẩm có chứa dược chất bị lạm dụng.
Trong khi đó, trên các nền tảng mạng xã hội, các KOL, người nổi tiếng, thậm chí cả “bác sĩ online” vẫn tiếp tục quảng bá cho những sản phẩm được gắn mác “lành tính” nhưng công dụng lại đầy màu sắc kỳ diệu.
Theo quy định pháp luật, mỹ phẩm không được phép quảng cáo như thuốc, càng không được gán ghép chức năng điều trị bệnh hoặc làm thay đổi sinh lý cơ thể. Tuy nhiên, khi các nền tảng số trở thành môi trường quảng bá chủ đạo, các quy định hiện hành đang tỏ ra hụt hơi trong việc giám sát và xử lý sai phạm.
Ghi nhận từ các cơ quan chức năng cho thấy, số vụ xử phạt quảng cáo mỹ phẩm sai sự thật trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Song so với thực trạng vi phạm tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và nền tảng video, số vụ được phát hiện và xử lý vẫn còn rất hạn chế.
Một vấn đề khác là tâm lý “tự tin” quá mức của người tiêu dùng. Nhiều người cho rằng họ đủ tỉnh táo để phân biệt quảng cáo đúng – sai, nhưng hiệu ứng tâm lý từ những lời lặp đi lặp lại như “100% thiên nhiên”, “cải thiện ngay sau 7 ngày” dễ khiến họ mất cảnh giác, rồi đặt lòng tin vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc vượt quá giới hạn chức năng cho phép.
Từ góc độ quản lý, dự thảo mới của Bộ Y tế – siết chặt từ ngữ quảng cáo được nhiều ý kiến nhận định là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu chỉ dừng lại ở danh sách “cấm ngôn từ” mà không tăng cường hậu kiểm, không kiểm soát nội dung phát tán trên nền tảng số, thì thị trường sẽ vẫn rối loạn trong một ma trận ngôn từ đẹp đẽ nhưng đầy cạm bẫy.
Phân tích với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho biết, việc mỹ phẩm bị quảng cáo lấn sang chức năng điều trị là hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng. Căn cứ theo Luật Quảng cáo, hành vi này có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng.
“Tuy nhiên, trên thực tế, chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để tình trạng quảng cáo sai sự thật”, luật sư Nguyễn Thành Luân nhấn mạnh.
Ông Luân cho rằng cần bổ sung cơ chế truy vết quảng cáo trên nền tảng số, đồng thời quy định trách nhiệm liên đới của KOLs, người nổi tiếng trong việc cam kết hiệu quả sản phẩm.
“Nếu để họ thoát khỏi trách nhiệm với lý do chỉ “giới thiệu sản phẩm”, thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ mượn tay người nổi tiếng để tiếp tục sai phạm. Thị trường làm đẹp cần sự trung thực, bởi niềm tin vào một sản phẩm không thể được xây dựng trên nền tảng của ảo tưởng và ngôn từ đánh lừa”, luật sư Luân nhấn mạnh.