Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh cho kinh tế tư nhân
Đình Đại - Minh Quân - Nguyễn Hùng•04/07/2025 18:50
Để phát triển kinh tế tư nhân rất cần sự đồng hành của báo chí.
Điều phối phiên thảo luận tại Tọa đàm "Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 4/7/2025, nhà báo Nguyễn Linh Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp khẳng định, để phát triển kinh tế tư nhân rất cần sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp. Phiên thảo luận này, Ban tổ chức rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ các nhà báo, các nhà doanh nghiệp và chuyên gia.
Nhà báo Nguyễn Linh Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát biểu.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên- Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, kinh tế tư nhân đã bị “nén” 40 năm, giờ đây chúng ta đã được mở ra. Theo ông, kinh tế tư nhân khi được mở sẽ có tiềm lực rất mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, có hai minh chứng rõ ràng cho vai trò đặc biệt của kinh tế tư nhân. Thứ nhất, vào năm 1986, thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới và mở cửa, khu vực tư nhân đã đóng vai trò "cứu cánh", tạo nên những kỳ tích mà hai khu vực kinh tế chủ đạo khi đó không làm được, dù trước đó khu vực này từng bị kìm hãm rất nghiêm ngặt.
Thứ hai, trong suốt 4 năm gần đây, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như lãi suất cao, chi phí đầu vào lớn, thủ tục hành chính rườm rà, khu vực kinh tế tư nhân vẫn trụ vững, thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai và tiếp tục tạo ra những kết quả đáng kinh ngạc.
Ông cho rằng, việc Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn cả bản thân thành tích, đó là nó buộc các bộ máy hành động để chọn được những lực lượng tốt nhất, tập hợp có cơ chế tốt nhất để giải quyết vấn đề. Đây là công việc chân chính của đất nước này. Nếu không có mục tiêu, mọi thứ sẽ "thong thả".
Từ trái qua phải: Nhà báo Nguyễn Tấn Phong - Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; PGS.TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng; Nhà báo Nguyễn Linh Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
"Chính sách bây giờ phải ra đời và đi vào cuộc sống nhanh chóng, gần như ngay lập tức, không phải chờ đợi "quán triệt" để thấm nhuần. Ví dụ điển hình là Nghị quyết 68 được ban hành chỉ trong 15 ngày kể từ khi Chính phủ trình, Thủ tướng đã nói "chưa lần nào thần tốc như vậy", cho thấy tinh thần "Thánh Gióng" trong việc buộc phải hành động vì lợi ích. Thủ tướng đã khẳng định phải mở hết cỡ cho tư nhân lần này." - PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong tương lai gần là khó, nhưng không thể không làm được. Sức mạnh của khu vực tư nhân và việc chuyển đổi cấu trúc phát triển lên một tầm cao khác là lời giải cho bài toán này. Báo chí nên làm rõ sự thay đổi định vị vai trò cho khu vực kinh tế tư nhân, điều này sẽ "giải phóng đầu óc" khỏi những ám ảnh rằng kinh tế tư nhân là tự phát, khó quản lý, hay "bóc lột".
"Báo chí cần làm mạnh hơn nữa trong việc đấu tranh với những tư duy chưa đúng tinh thần, giải phóng cho kinh tế tư nhân để nó có thể gánh vác trách nhiệm. Báo chí có trách nhiệm nhìn vào sự thật để ủng hộ một môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng cho khu vực tư nhân", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Từ trái qua phải: Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM; Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2; Ông Trần Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM.
Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture đánh giá, thông qua Nghị quyết 68, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng khởi nghiệp đã đón nhận được rất nhiều điều tích cực. Nghị quyết này đã mang lại một hơi thở cuộc sống cho nền kinh tế tư nhân, từ những người làm nông nghiệp sạch, các cơ sở cơ khí đang phát triển doanh nghiệp, cho đến những công ty hàng hóa đang vươn ra toàn cầu. Điều này thể hiện rõ qua sự hào hứng và số lượng doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Funiture.
"Kinh tế tư nhân không còn "đi sau" nữa, kinh tế tư nhân hiện đang "đi ngang" và thậm chí "đi tiên phong" trong một số lĩnh vực", ông Vạn chia sẻ.
Đồng thời, ông cho rằng, trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng. Thế giới ngày nay thay đổi từng giây, từng phút, từng giờ, và những thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần báo chí thông tin và đưa tin kịp thời, với thông tin đầy đủ và chính xác, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định quan trọng, tránh những hệ lụy lớn. Ông cũng ghi nhận rằng, các cơ quan báo chí đã phản hồi rất kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân hưởng lợi từ các chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông Vạn cũng cho rằng kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" cần được giải quyết. Một trong số đó là chi phí tiếp vận và hạ tầng. Ví dụ, quãng đường chỉ 40km từ TP HCM đến Bình Dương (cũ) có thể mất đến 2-4 tiếng di chuyển, thậm chí lên tới 6-8 tiếng nếu tắc đường. Điều này gây tốn kém chi phí và thời gian, cản trở sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở TP HCM mà còn ở các tỉnh thành khác. Do đó, chúng ta cần một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng để giảm bớt chi phí logistics cho doanh nghiệp.
"Nếu chúng ta giải quyết được những điểm nghẽn này, tôi tin rằng sẽ có "7 cái dễ" thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trong thời gian tới: Dễ tạo động lực; Dễ tiếp cận về vốn và đất; Dễ chuyển đổi số; Pháp luật rõ ràng hơn; Đổi mới trong kinh tế tư nhân; Tạo ra một sự tự do kinh doanh; Dễ làm việc, dễ thách thức, dễ phát triển. Tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị báo chí đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của báo chí, chúng ta sẽ cùng nhau đưa đất nước Việt Nam phát triển", ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.
Từ góc độ cá nhân và kinh nghiệm hoạt động của mình, bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP HCM, Giám đốc Trung tâm Hỗ Trợ Khởi nghiệp BSSC khẳng định, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghệp. Bà Phi đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến báo chí, bởi lẽ trong suốt một khoảng thời gian dài, báo chí luôn là đơn vị tiên phong trong việc truyền tải các thông điệp quan trọng.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT & CEO IBP
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty mới sáng tạo - những đơn vị thường xuyên đối mặt với khó khăn, thậm chí là thất bại ở giai đoạn đầu để rồi sau nhiều lần lặp lại mới đạt được thành công - những doanh nghiệp này bthực sự rất cần sự đồng hành của báo chí.
Theo bà, điều cần thiết nhất là báo chí truyền thông rộng rãi những điều hay của các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, nhằm giúp công chúng và cộng đồng hiểu rõ hơn.
"Tôi đã có cơ hội nghiên cứu các mô hình phát triển ở Nhật Bản, và nhận thấy một phần quan trọng làm nên thành công của họ là nhờ vào việc họ rất ủng hộ những điều mới mẻ và chấp nhận một phần những điều chưa hoàn hảo của các cái mới đó, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển và đầu tư", bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ.
Theo bà Hoàng Phi, doanh nghiệp mong muốn từ báo chí sự đồng hành trong một khoảng thời gian dài, thay vì chỉ là những làn sóng thông tin nhất thời lên rồi xuống. Một mô hình đổi mới sáng tạo thường đòi hỏi từ 3 đến 5 năm mới có thể xây dựng và trưởng thành một cách vững chắc. Do đó, sự đồng hành bền bỉ của báo chí là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM tặng hoa chúc mừng 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cho Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Nhà báo Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ở góc độ hiệp hội, bà Trương Lý Hoàng Phi cũng rất mong muốn báo chí cùng chung tay lan tỏa những thông điệp mới góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của mọi người. Chẳng hạn, khi chúng ta khuyến khích doanh nghiệp đổi mới (innovation), cần làm rõ "innovation" được hiểu như thế nào và doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược ra sao để thực sự đổi mới. Hay khái niệm "đổi mới sáng tạo mở" (open innovation) vẫn còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, bà kiến nghị chúng ta cần tăng cường tổ chức nhiều hội thảo và hoạt động truyền thông hơn nữa để làm rõ những khái niệm này.
"Ngược lại, về phía doanh nghiệp, tôi tin rằng chúng tôi cũng có thể đóng góp theo những cách thiết thực. Thứ nhất, chúng tôi có thể cung cấp những chất liệu thực tế và câu chuyện hay nhất cho báo chí để truyền thông. Thứ hai, khi các doanh nghiệp đã trưởng thành, họ hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn về nguồn lực để hỗ trợ đưa những thông điệp truyền thông tích cực đến với công chúng", bà Trương Lý Hoàng Phi khẳng định.
Bà Hoàng Phi cho rằng, đây chính là sự tương hỗ giữa hai bên, tất cả các bên đều có trách nhiệm chung tay thúc đẩy những điều mới mẻ. Khi những cái mới đó thành công, chúng cũng sẽ tạo động lực và hỗ trợ ngược lại cho các cơ quan báo chí, giúp họ tiếp tục hành trình và sứ mệnh cao cả của mình trong việc lan tỏa những thông điệp tốt cũng như các chính sách của Chính phủ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, khi cộng đồng doanh nghiệp tiếp nhận Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, có thể nói, đây là một “cú hích” lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Ngay sau đó, Nghị quyết 198 của Quốc hội, và Nghị quyết 139 của Chính phủ cũng được ban hành với tốc độ khẩn trương.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA).
Ông Châu cũng đồng tình với ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên, chúng ta đã bị "nén" quá lâu, trong khi tính năng động và tầm ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân là rất lớn. Nghị quyết 68 đã xác định quan điểm "kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
"Hiện nay, chúng ta đang cần phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu để có thể trong 10 năm tới, Việt Nam có thể có từ 25-20 tập đoàn kinh tế tư nhân mang thương hiệu lớn như VinGroup, SunGroup, Phúc Sinh, Vinaconex, Novaland, Nam Long... Do đó, báo chí cần tích cực hơn nữa trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng nhau phát triển", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, kinh tế tư nhân trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều vướng mắc, nhưng cũng chưa bao giờ Nhà nước quan tâm nhiều đến lĩnh vực bất động sản như trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn như Nghị quyết 18, năm 2022 là tiền đề để ban hành hệ thống pháp luật có liên quan tập trung cho lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là việc sửa đổi Luật đất đai, mang lại tính đồng bộ trong hệ thống luật.
"Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, kinh tế tư nhân, trong đó có lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục phát triển để thực hiện giấc mơ an cư của người dân và cấu trúc lại thị trường để không còn tình trạng lệch pha cung cầu như trong thời gian vừa qua", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu khẳng định.
Nhà báo Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.
Dưới góc độ là một cơ quan báo chí, nhà báo Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đặt câu hỏi, làm thế nào để doanh nghiệp và báo chí đồng hành? Nhà báo Trần Hoàng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn, vậy báo chí chia sẻ như thế nào?.
Cũng theo nhà báo Trần Hoàng, trong thời gian vừa qua, những vấn đề liên quan tới hàng giả, hàng nhái được dư luận quan tâm. Vậy, báo chí đưa tin thế nào cũng là một vấn đề. Nếu không đưa tin thì không được, mà đưa thì ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
"Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí và doanh nghiệp cần tổ chức các diễn đàn, toạ đàm, hội thảo để giải quyết vấn đề này. Và trong diễn đàn cần có sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao", nhà báo Trần Hoàng nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng, Tổng Giám đốc Vina CHG chia sẻ, trong thời gian qua, Đảng và nhà nước rất quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bản thân ông cũng là doanh nhân và hiện đang điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nhằm đưa ra các giải pháp để các doanh nghiệp ứng dụng và ngăn chặn hàng giả.
Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng, Tổng Giám đốc Vina CHG.
Theo ông Hồng, trong thời gian qua, báo chí đã rất quyết liệt trong việc chống hàng giả. Trong nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp và doanh nhân phải là những doanh nhân thật, làm thật. Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp phát triển rất cần các cơ quan báo chí đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hồng, ở góc độ người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái đang là mối quan tâm rất lớn của người dân. “Đi đâu cũng nghe thấy hàng giả, hàng nhái. Do đó, để thông tin chính xác, kịp thời, rất mong các nhà báo đưa tin thường xuyên về vấn đề này để người tiêu dùng xác định được hàng nào là hàng thật, địa chỉ hàng giả ở đâu, hàng thật ở đâu... Từ đó, biết cách tiêu dùng thông minh, doanh nghiệp cũng sẽ có một môi trường cạnh tranh lành mạnh", ông Nguyễn Viết Hồng chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI-HCM cho rằng, báo chí là kênh phản biện về cơ chế, chính sách rất tốt và rất hiệu quả. Và doanh nghiệp chính là người truyền thông điệp cho báo chí để phản biện những bất cập liên quan tới cơ chế chính sách.
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI-HCM.
Theo ông Liêm, trong nền kinh tế hiện nay, câu chuyện về văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đang được nâng lên một tầm cao mới.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng văn hoá kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong, chủ động xây dựng văn hóa dựa trên giá trị dân tộc, không chỉ thể hiện bản lĩnh doanh nhân mà còn lan tỏa của trách nhiệm doanh nhân, doanh nghiệp với cộng đồng
"Với góc độ VCCI tại TP HCM, chúng tôi hiểu và chia sẻ nhiều thông tin tới doanh nghiệp, ghi nhận những thông tin phản ánh của doanh nghiệp để kiến nghị với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, phản biện của VCCI tới các cơ quan báo chí một cách nhanh nhất để thông điệp đó được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp nắm được", Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, báo chí không chỉ là tiếng nói của sự thật, mà còn là động lực thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp, truyền cảm hứng cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số.
Trong bối cảnh mới, báo chí cần tiếp tục đổi mới, tiên phong trong lan tỏa giá trị đạo đức, chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân trên con đường khẳng định vị thế, góp phần đưa kinh tế Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.
Ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA).
Ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA) đánh giá, Nghị quyết số 68/NQ-TW banh hành ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là văn bản định hướng phát triển số lượng doanh nghiệp mà còn là tuyên bố đổi mới căn bản về tư duy, thể chế và chính sách, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột dẫn đầu quá trình chuyển đổi số, sáng tạo, thu hút đầu tư và hội nhập toàn cầu.
Cũng theo ông Long, Nghị quyết 68 đã thể hiện được những nổi bật, như: Xác định tư duy mới; Doanh nghiệp tư nhân là lực lượng chủ lực; Nghị quyết nhấn mạnh chuyển từ “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy” tiềm năng của kinh tế tư nhân. Và đây chính là vấn đề rất cần báo chí đồng hành để làm sao chuyển tải thông tin tới cho doanh nghiệp.
"Là người thường xuyên xuất hiện trên Diễn đàn Doanh nghiệp, nói nhiều vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách trong vấn đề hàng hải, tôi mong rằng sắp tới, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những buổi toạ đàm chuyên sâu trong lĩnh vực cảng biển để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này", ông Long đề nghị.
Ông Phạm Sông Thu - Trưởng phòng Truyền thông Tổng Công ty Xây dựng số 1 CC1 cho biết, ông từng là một người làm báo, vừa làm doanh nghiệp, cũng lại vừa là người làm truyền thông. Với vai trò là cầu nối giữa các bên, ông mong muốn báo chí và doanh nghiệp sẽ đồng hành nhau để tạo nên một "cao tốc" hay một "xa lộ thông tin hai chiều". Điều này có nghĩa là thông tin cần được kết nối từ cấp vĩ mô, nơi có những chính sách cải cách mạnh mẽ, đến với cuộc sống và hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Phạm Sông Thu - Trưởng phòng Truyền thông Tổng Công ty Xây dựng số 1 CC1.
Ngược lại, báo chí cũng phải là cầu nối để tiếp nhận những thông tin, những vướng mắc từ thực tiễn cuộc sống của doanh nghiệp, đưa đến những người làm chính sách một cách kịp thời. Đồng thời, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những thông tin tích cực và truyền cảm hứng sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Thu cũng cho rằng, với xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, tốc độ chính là yếu tố sống còn của cả doanh nghiệp và báo chí. Tốc độ ở đây không chỉ là tốc độ truyền tải thông tin, mà còn là tốc độ chuyển đổi về tư duy, về mô hình kinh doanh, về công nghệ và về sáng tạo. Nếu chậm trễ trong việc chuyển đổi tư duy, doanh nghiệp sẽ không thể bắt kịp xu thế hội nhập của thế giới, và sẽ mất đi cơ hội quý giá.
"Cùng với tốc độ, sáng tạo là vũ khí quan trọng để doanh nghiệp cạnh tranh và hội nhập. Đối với báo chí, dưới áp lực cạnh tranh gay gắt từ không gian mạng hiện nay, vai trò của báo chí chính thống càng cần phải sáng tạo và đổi mới. Điều này giúp báo chí giữ được vai trò dẫn dắt xã hội, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp bằng cách chia sẻ những xu hướng, những mô hình kinh tế mới", ông Phạm Song Thu nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, khi doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, cũng như môi trường, báo chí có thể hỗ trợ lan tỏa những giá trị này để chúng ta có một cộng đồng doanh nhân mạnh mẽ. Một cộng đồng doanh nhân vững mạnh sẽ là nền tảng cho một nền kinh tế vững mạnh, và khi doanh nhân mạnh mẽ cùng với sự hỗ trợ của báo chí, chúng ta chắc chắn sẽ kiến tạo nên một cộng đồng thịnh vượng.
Bà Nguyễn Thị Phỉ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Syaqua - ADN.
Là người phát biểu sau cùng, bà Nguyễn Thị Phỉ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Syaqua - ADN cho biết, bản thân doanh nghiệp tiên phong tới 40 năm trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thức ăn cho thuỷ sản, thuốc vi sinh. Đây là một lĩnh vực công nghệ cao, có tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ trống. Hiện chỉ có một mình doanh nghiệp đại diện cho Việt Nam đầu tư. Do đó, bà hy vọng trong thời gian tới tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tổ chức một buổi toạ đàm, diễn đàn chuyên sâu về lĩnh vực này.
"Trong một không gian lớn hơn, có nhiều thời gian hơn tôi xin được trình bày để doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm nhiều hơn. Và chỉ có như thế, Nghị quyết 68, một nghị quyết đầy tham vọng mới có thể cụ thể hóa chỉ tiêu đến 2030 và 2045", bà Nguyễn Thị Phỉ chia sẻ.
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu kết luận Tọa đàm.
Kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành khẳng định, các ý kiến phong phú và tâm huyết tại tọa đàm đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, những cơ hội và thách thức đặt ra cho khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới, nhất là khi Nghị quyết 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Thứ hai, vai trò của báo chí trong khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, và tạo dựng niềm tin xã hội đối với doanh nghiệp.
Thứ ba, các giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế, kết nối nguồn lực và hiện đại hóa công nghệ.
Các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp chụp hình lưu niệm với đại diện BTC.
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đặc biệt đánh giá cao những gợi ý, kiến nghị cụ thể về việc báo chí cần đồng hành cùng doanh nghiệp trên 5 phương diện:
Một là, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và khát vọng làm giàu chính đáng, cổ vũ doanh nhân vươn lên phụng sự xã hội.
Hai là, phản ánh trung thực, khách quan, kịp thời truyền tải những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ từ thực tiễn doanh nghiệp.
Ba là, bảo vệ uy tín và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp chân chính, đấu tranh với thông tin sai lệch, tiêu cực, tránh gây hoang mang dư luận.
Bốn là, chia sẻ kiến thức, xu hướng phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế.
Năm là, tạo cầu nối đối thoại, kết nối cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính và đối tác trong nước, quốc tế.
"Đây chính là những định hướng hành động cụ thể để báo chí và doanh nghiệp cùng song hành, tạo dựng niềm tin, đồng lòng vì mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng", Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành kết luận.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.