Nghị quyết 68 truyền cảm hứng mạnh mẽ cho khu vực tư nhân, hứa hẹn tạo đột phá trong 5-10 năm tới với sự vươn lên của nhiều doanh nghiệp dẫn đầu.
Nội dung trên được ông Phan Minh Thông - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TP HCM, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh nêu tại Tọa đàm "Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 4/7/2025, tại TP HCM.
Tham dự Tọa đàm có: Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI; Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2; Ông Trần Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM; PGS.TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng; TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright; Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM; Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI chi nhánh Khu vực TP HCM; Ông Phan Minh Thông - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TP HCM, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh; Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng, Tổng Giám đốc Vina CHG; Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP HCM, Giám đốc Trung tâm Hỗ Trợ Khởi nghiệp BSSC; Ông Trần Thanh Bình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM; Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp phía Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Bình Dương (cũ) khóa V, Chủ tịch Cty S Funiture; Ông Vũ Hồng Quang - Phó Chủ tịch tập đoàn CT Group.
Về phía đại diện các cơ quan báo chí và đại diện chuyên gia Truyền thông của các Tập đoàn, Doanh nghiệp có: Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; Nhà báo Tùng Quang - Vụ phó, Phó Trưởng cơ quan đại diện báo Nhân dân tại phía Nam; Nhà báo Nguyễn Hồng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí báo Tài chính Đầu tư; Nhà báo Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn; Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phổ Thông; Ông Phạm Sông Thu - Trưởng phòng Truyền thông Tổng Công ty Xây dựng số 1 CC1.
Về phía ban tổ chức có: Nhà báo Nguyễn Linh Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Trưởng ban Tổ chức.
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm "Báo chí và Doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh - một doanh nhân có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu, đã nhấn mạnh những chuyển biến tích cực mà Nghị quyết 68 mang lại cùng vai trò cầu nối không thể thiếu của báo chí đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Theo nhận định của ông Phan Minh Thông, Nghị quyết 68 đã thổi một luồng gió mới, mang lại một không gian và một tinh thần vô cùng tuyệt vời cho doanh nghiệp tư nhân. Đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp tư nhân cảm thấy mình được nhìn nhận như là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Sự ghi nhận này đã tạo ra một niềm tin và cảm hứng mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tự tin hơn vào vai trò của mình.
Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí được ông Thông đặc biệt đề cao. Ông bày tỏ hy vọng rằng, báo chí sẽ đồng hành chặt chẽ với các doanh nghiệp, không chỉ chia sẻ những câu chuyện khó khăn mà còn lan tỏa những mô hình thành công. Việc phổ biến những câu chuyện thành công này được coi là cách để tiết kiệm vô vàn công sức và tiền bạc cho xã hội.
Quan trọng hơn, báo chí còn là một cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Nhờ sự kết nối này, nhiều vướng mắc tồn đọng trong nhiều năm của doanh nghiệp, có khi mất 2-5 năm vẫn chưa được giải quyết, nay đã có những tiến bộ rõ rệt chỉ sau 6 tháng và được giải quyết hàng loạt sau một năm.
"Sự đồng hành của báo chí đã giúp các công ty mạnh dạn phát triển, đưa ra ý kiến của mình và trở thành những doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn báo chí Việt Nam vì đã góp phần mạnh mẽ trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng do Chính phủ phát động, giúp những công ty làm sản phẩm nguyên chất như cà phê Phúc Sinh có cơ hội tồn tại và phát triển", ông Phan Minh Thông chia sẻ.
Chia sẻ về hành trình của chính công ty mình, một công ty cổ phần tư nhân đã có 25 năm xuất khẩu trên toàn thế giới, ông Thông nhấn mạnh rằng, thành công có thể đến từ việc định hướng thông minh hoặc từ việc giải quyết những khó khăn hằng ngày của doanh nghiệp. Công ty ông đã nhận thấy tầm quan trọng của phát triển bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm từ 10-15 năm trước, khi mà những khái niệm này còn rất xa lạ với số đông.
Ông cho rằng, mặc dù trải qua nhiều thất bại ban đầu, như việc đầu tư 5 tỷ đồng vào năm 2010 nhưng thất bại sau 2 năm, công ty vẫn kiên trì gây dựng lại và năm 2014 đã thành công, trở thành công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận phát triển bền vững. Việc này không chỉ mang lại thành quả cho doanh nghiệp mà còn gắn chặt với nông dân, khi công ty hợp tác với hàng chục nghìn trang trại ở nhiều tỉnh thành.
Đặc biệt, nhà máy ở Sơn La của công ty là nhà máy đầu tiên trên toàn thế giới đạt chứng nhận 100% phát triển bền vững. Nhờ định hướng này, năm 2024 công ty đã nhận được các quỹ hỗ trợ hàng đầu thế giới, trong đó có viện trợ không hoàn lại từ Hà Lan.
Ông Thông cũng có một góc nhìn khác về nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, ông tin rằng nông nghiệp Việt Nam chính là một "mỏ vàng" lớn, thay vì chỉ nhìn vào những khó khăn. Ông dẫn chứng những thành công cụ thể của công ty mình trong việc khai thác "mỏ vàng" này.
"Phúc Sinh là công ty tư nhân đầu tiên đầu tư vào nhà máy hạt tiêu sạch và chỉ trong 5 năm đã vươn lên vị trí số một tại Việt Nam, vượt qua cả các tập đoàn đa quốc gia và công ty nhà nước, duy trì vị trí này trong hàng chục năm sau", ông Thông chia sẻ.
Phúc Sinh cũng xây dựng nhà máy cà phê Arabica ở Sơn La, mời chuyên gia quốc tế và nhập máy móc từ Colombia. Chỉ sau 5 năm, Arabica Sơn La đã nổi tiếng khắp Việt Nam và trên toàn thế giới, có khách hàng ở những thị trường cao cấp như Thụy Sĩ, Đức, và thu hồi vốn đầu tư chỉ sau 6 năm.
Ông Thông cũng đưa ra lời khuyên chiến lược cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đó là thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, nên tập trung xây dựng ba đến năm doanh nghiệp hàng đầu xây dựng các nhà máy chế biến. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề đầu ra, tạo ra một môi trường cạnh tranh tích cực và đảm bảo lợi nhuận bền vững cho người nông dân.
Đồng thời chia sẻ về sự ra đời của thương hiệu K Coffee vào năm 2017, với mục tiêu mang đến cà phê rang xay nguyên chất 100% cho người Việt Nam, bởi vì "người Việt Nam xứng đáng được uống cà phê ngon". Mặc dù trải qua nhiều khó khăn khi phải vật lộn với thị trường đầy rẫy sản phẩm kém chất lượng, công ty vẫn kiên định với tinh thần này.
Người đứng đầu Phúc Sinh khẳng định, Nghị quyết 68 rất truyền cảm hứng đối với doanh nghiệp tư nhân. Ông tin rằng, nếu đi theo một cách bài bản với Nghị quyết này, chỉ 5 năm nữa Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, và 10 năm nữa sẽ có hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu.
"Xã hội hãy kiên nhẫn hơn với kinh tế tư nhân, đừng mong họ "là Thánh Gióng" ngay lập tức, bởi lẽ đây là lần đầu tiên sau 40 năm, họ mới được lộ diện là lực lượng hàng đầu. Cần cho họ cơ hội và ủng hộ để họ có thể gánh vác trách nhiệm và trở thành niềm tin hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam", ông Phan Minh Thông chia sẻ thêm.