Sự phối hợp giữa VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam là yêu cầu khách quan, cả 2 đều là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đều chung mục tiêu góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, văn minh.
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết tại Tọa đàm “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 4/7/2025 tại TP HCM.
Tham dự Tọa đàm có: Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI; Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2; Ông Trần Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM; PGS.TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng; TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright; Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM; Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI chi nhánh Khu vực TP HCM; Ông Phan Minh Thông - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TP HCM, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh; Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng, Tổng Giám đốc Vina CHG; Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP HCM, Giám đốc Trung tâm Hỗ Trợ Khởi nghiệp BSSC; Ông Trần Thanh Bình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM; Ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp phía Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Bình Dương (cũ) khóa V, Chủ tịch Cty S Funiture; Ông Vũ Hồng Quang - Phó Chủ tịch tập đoàn CT Group.
Về phía đại diện các cơ quan báo chí và đại diện chuyên gia truyền thông của các Tập đoàn, doanh nghiệp có: Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; Nhà báo Tùng Quang - Vụ phó, Phó Trưởng cơ quan đại diện báo Nhân dân tại phía Nam; Nhà báo Nguyễn Hồng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí báo Tài chính Đầu tư; Nhà báo Trần Hoàng - Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn; Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phổ Thông; Ông Phạm Sông Thu - Trưởng phòng Truyền thông Tổng Công ty Xây dựng số 1 CC1
Về phía ban tổ chức có: Nhà báo Nguyễn Linh Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Trưởng ban Tổ chức.
Phát biểu tại Tọa đàm, nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đánh giá, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp, với mục đích: Phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp của người làm báo, tập hợp, đoàn kết, động viên các nhà báo phát huy khả năng sáng tạo, cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức khác và nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
“Như vậy, có thể nói, sự phối hợp giữa 2 tổ chức VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam là yêu cầu khách quan, cả 2 đều là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đều chung mục tiêu góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, văn minh”, nhà báo Trần Trọng Dũng chia sẻ.
Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, chức năng nhiệm vụ của 2 tổ chức có liên quan mật thiết với nhau. Đó là thông qua báo chí sẽ góp phần để VCCI thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thông tin, thị trường và các nguồn lực cần thiết để phát triển và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngược lại, Hội Nhà báo Việt Nam thông qua việc phối hợp với VCCI chính là để thực hiện tốt chức năng của Hội - là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân trong đó có cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Cũng theo nhà báo Trần Trọng Dũng, điểm nổi bật trong sự hợp tác của 2 cơ quan trong thời gian qua như được thể hiện qua những nội dung như:
Thứ nhất, tổ chức các diễn đàn, sự kiện nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển chung của đất nước.
Cụ thể, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI đã cùng nhau tổ chức diễn đàn "Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc" vào các năm 2023 và 2024. Diễn đàn này thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và chuyên gia từ các cơ quan nghiên cứu, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để tăng cường sự phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Thứ hai, các cơ quan báo chí đã phối hợp trong việc truyền thông về các hoạt động của VCCI và các doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên về lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường kết nối, giao lưu giữa các nhà báo và doanh nhân, tạo điều kiện để hai bên hiểu nhau hơn và hợp tác hiệu quả hơn.
“Những hoạt động hợp tác này đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của báo chí và doanh nghiệp, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, nhà báo Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên góc độ Hội nhà báo Việt Nam, nhà báo Trần Trọng Dũng cho rằng, tại TP HCM, một trung tâm báo chí - truyền thông lớn nhất khu vực, cũng là nơi tập trung số lượng rất lớn các đơn vị kinh tế tư nhân (gồm gần 300.000 doanh nghiệp tư nhân, hơn 220.000 hộ kinh doanh), có thể thấy sự hợp tác trên chưa xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân và cơ quan báo chí.
Theo đó, sự hợp tác giữa Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí với khu vực kinh tế tư nhân chưa lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả tới các cấp Hội địa phương và các cơ quan báo chí địa phương nói chung và TP HCM nói riêng.
Bên cạnh đó, cần sự hợp tác sâu rộng, thường xuyên hơn, nhất là các ấn phẩm trên nền tảng số giữa các cơ quan của VCCI, các doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng với các cơ quan báo chí nhất là các báo, tạp chí chuyên về kinh tế.
Ngoài ra, cần đáp ứng đầy đủ, kịp thời hơn nũa nhu cầu của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài về cập nhật quan điểm, chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế tư nhân cũng như kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực liên quan kinh tế tư nhân.
Cũng theo nhà báo Trần Trọng Dũng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn 2030, 2045 kèm theo các nhiệm vụ giải pháp cụ thể trong đó liên quan truyền thông: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hành động, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sự tự tin, tự cường, tự hào dân tộc của mọi người dân để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực, đầy đủ, cổ vũ, lan toả những mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội. Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân”.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 68, nhà báo Trần Trọng Dũng nêu một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, Hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các Câu lạc bộ báo chí chuyên ngành kinh tế tại TP HCM và các địa phương sau hợp nhất có thể ký các Thỏa thuận hợp tác với các đơn vị trực thuộc VCCI để triển khai cụ thể các nội dung trong Chương trình phối hợp công tác đã được VCCI ký với Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Dân vận Trung ương), Bộ Thông tin Truyền thông (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) và Hội Nhà báo Việt Nam, vào tháng 7/2023, nhằm tạo ra điều kiện và xung lực mới cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và báo chí.
Ví dụ như: Phối hợp khảo sát, đánh giá môi trường truyền thông báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin báo chí về kinh tế; Xây dựng báo cáo thường niên về môi trường truyền thông báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; Bình chọn các tác giả, tác phẩm báo chí viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh; Truyền thông lan tỏa tinh thần và văn hoá kinh doanh từ các gương “doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”; Hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số; Bồi dưỡng đào tạo kiến thức kinh tế cho lãnh đạo cơ quan báo chí và các phóng viên, biên tập viên; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, doanh nhân về quan hệ báo chí...
Hai là, các cơ quan báo chí phối hợp các đơn vị trực thuộc Chi nhánh VCCI TPHCM chủ động tổ chức các chuyên mục, tuyến bài chuyên sâu, chú trọng các ấn phẩm trên nền tảng số, ứng dụng cách thực làm báo hiện đại. VCCI và các đơn vị trực thuộc phối hợp các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí tổ chức các Lễ hội, sự kiện, tọa đàm, hội thảo, tham quan thực tế, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Ba là, Hội nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP HCM, các cơ quan báo chí tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng truyền thông báo chí cho đội ngũ cán bộ, nhân viên truyền thông của các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cả các cơ quan báo chí, các khóa học có thể thực hiện bằng nguồn kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng người lao động của doanh nghiệp. Các khóa học do trực tiếp các lãnh đạo, ban biên tập, các nhà báo nhiều kinh nghiệm trực tiếp truyền đạt. Tổ chức cho học viên tham quan, giao lưu các nhà báo tại các tòa soạn,...
Bốn là, các cấp Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí cần qun tâm đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, trong đó chú ý giáo dục đạo đức người làm báo, cùng với VCCI chủ động tổ chức các kênh thông tin nhằm nắm bắt, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực của những nhà báo, phóng viên lợi dụng danh nghĩa báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp để trục lợi, làm ảnh hưởng tới uy tín của đội ngũ những người làm báo cách mạng.
Năm là, hàng năm VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam khu vực phía Nam, Hội Nhà báo TP HCM nên có sơ kết đánh giá các nội dung hoạt động đã thực hiện và đề ra phương hướng phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của khối kinh tế tư nhân và báo chí. Đồng thời có hình thức khen thưởng động viên những tập thể, cá nhân trong các cơ quan báo chí và doanh nghiệp tư nhân có nhiều thành tích trong công tác phối hợp truyền thông.