4 lý do cho kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động năm 2024

LÊ MỸ 07/02/2024 11:41

Mặc dù rất khó để có thể dự báo được giá trị phát hành dự kiến cả năm 2024, FiinGroup vẫn cho rằng triển vọng cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ sôi động hơn năm 2023.

>>>Kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

Theo đó, các chuyên gia FiinGroup đưa 4 lý do.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sôi động hơn năm 2023

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sôi động hơn năm 2023. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn: Mặc dù nhóm ngành này chưa công bố hết kế hoạch, theo các chuyên gia FiinGroup, hầu hết các ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của NHNN, ví dụ yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Thứ hai, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn: Để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, theo FiinGroup, môi trường lãi suất trong nước được dự báo vẫn được duy trì thấp như hiện nay, đồng thời lãi suất quốc tế có xu hướng giảm trong những năm tới; Đây sẽ là yếu tố xúc tác rất lớn cho các ngành và doanh nghiệp có nhu cầu vốn dài hạn có thể tính toán đến việc phát hành trái phiếu, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là khi bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm 2023.

>>>Sửa đổi Thông tư 16/2021: Nhiều tác động với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thứ ba, mở rộng nguồn cung trái phiếu: Không chỉ các ngân hàng thương mại, các chuyên gia cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng cũng sẽ bước vào giai đoạn mới tăng trưởng trở lại sau một năm 2023 suy giảm, do các vấn đề thực hành thu hồi nợ của nhiều đơn vị đã được xử lý.

Ngoài ra, các thị trường bất động sản có thể cần thêm thời gian để có thể chứng kiến sự hồi phục mạnh trở lại nhưng những biện pháp tháo gỡ pháp lý, nhất là đối với phân khúc trung và thấp cấp sẽ làm tiền đề cho việc giảm rủi ro pháp lý dự án để các chủ đầu tư có thể khôi phục hoạt động huy động vốn tín dụng, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng quan sát nhiều tổ chức phát hành trong các ngành mới như hàng tiêu dùng, thực phẩm, logistics, v.v. Riêng với ngành hạ tầng, chúng tôi cũng kỳ vọng từ các dự án hạ tầng bền vững như điện rác, nước thải, và các dự án có ỹ nghĩa về môi trường sẽ là xu hướng cho năm 2024 và nhiều năm tới đây. Riêng ngành năng lượng tái tạo, chúng tôi cho rằng sẽ cần thêm thời gian để ghi nhận sự sôi động của hoạt động phát hành trái phiếu cho đến khi các quy định cụ thể và hướng dẫn triển khai Quy hoạch Điện 8 được ra đời", các chuyên gia nhận định.

Cuối cùng, niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện: Mặc dù các sự kiện vi phạm về trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình giải quyết và nhiều lô trái phiếu đã được xử lý về mặt kỹ thuật theo tinh thần của Nghị định 08 về tái cơ cấu nợ trái phiếu riêng lẻ, chúng tôi đã ghi nhận sự tham gia nhất định của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào một số lô trái phiếu riêng lẻ được phát hành bởi những doanh nghiệp đầu ngành, có rủi ro vừa phải và sự minh bạch cao về thông tin.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy 7% trong tổng số hơn 300 tỷ trái phiếu riêng lẻ chào bán thành công năm 2023 đã được mua bởi nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy là mức rất khiêm tốn so với mức trên 30% những năm giai đoạn 2019-2022, đây cũng là dấu hiệu đáng mừng về sự khôi phục niềm tin và sự chấp nhận rủi ro khi đầu tư sản phẩm này theo những quy định mới của Nghị định 65 về trái phiếu riêng lẻ.

Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia kỳ vọng cơ sở nhà đầu tư vào TPDN cần được mở rộng hơn nữa thay vì chủ yếu là các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cá nhân như hiện nay. "Các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư của họ hiện đang quản lý khoảng 35 tỷ USD nhưng còn rất hạn chế tham gia vào TPDN, nhất là sau khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm đi vào hiệu lực từ đầu năm 2023 không cho phép các đơn vị này đầu tư vào trái phiếu có mục đích cơ cấu lại nợ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần cải thiện những quy định hiện nay để có thể tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư trái phiếu và các định chế đầu tư được cấp phép và hoạt động có thể mở rộng tham gia vào kênh TPDN như các thị trường trong khu vực".

Nói cách khác, làm thế nào để khơi thông được nguồn lực vốn vẫn đang hiện hữu trong nền kinh tế để sự tham gia dòng tiền có tính ổn định, bền vững cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng hiệu quả cho cả tổ chức phát hành lẫn nhà đầu tư, vẫn là bài toán lớn và cần thời gian dài hơi - điều mà trong trước mắt thị trường khó có thể cải thiện ngay được. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu tích cực từ nợ trái phiếu doanh nghiệp

    Tín hiệu tích cực từ nợ trái phiếu doanh nghiệp

    11:10, 02/02/2024

  • Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Tín hiệu vui đầu năm 2024

    Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Tín hiệu vui đầu năm 2024

    14:00, 25/01/2024

  • Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực sạch nợ trái phiếu

    Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực sạch nợ trái phiếu

    13:28, 22/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
4 lý do cho kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO