Công ty CP May Sông Hồng (HoSE: MSH) đang đối diện với một thách thức mới khi một khách hàng lớn là New York & Co. đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Theo số liệu trong Bản cáo bạch, New York & Co. là một trong 3 khách hàng truyền thống lớn của MSH những năm gần đây - chiếm 25% tổng doanh thu của mảng FOB (mảng kinh doanh chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của công ty) - lớn nhất trong số các khách hàng chính.
MSH có 2 mảng kinh doanh chính là sản phẩm may mặc (hàng xuất khẩu FOB, gia công) và chăn, ga, gối, đệm. Trong đó, mảng FOB đóng góp doanh thu và lợi nhuận chủ yếu.
Năm 2019, doanh thu mảng FOB của MSH ước tính đóng góp khoảng 76,4%; mảng gia công khoảng 16,4%. Tỷ trọng đóng góp của mảng FOB có biên lợi nhuận tăng cao hơn, trong khi mảng gia công giảm đã giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng trong năm 2019.
Tính đến hết quý I/2020, MSH có khoản phải thu khách hàng ngắn hạn 166,7 tỷ đồng với Công ty TNHH New York & Company, chiếm 38% khoản phải thu và gấp 3,5 lần thời điểm đầu năm. Việc công ty mẹ của khách hàng quan trọng mở thủ tục phá sản nhiều khả năng buộc MSH phải trích lập dự phòng làm giảm lợi nhuận.
Đại diện MSH cho biết, New York & Co. là khách hàng lâu năm của MSH. COVID-19 là trường hợp bất khả kháng nên khó tránh khỏi, khi dịch bùng phát tại thị trường Mỹ, MSH đã dự báo trước tình hình này sẽ xảy ra và đã trích lập dự phòng một phần từ quý 1 và sẽ tiếp tục trích lập vào các tháng tiếp theo. Về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản phải thu 166 tỷ đồng với khách hàng New York & Co., lãnh đạo MSH cũng đã liên hệ nhưng chưa có kết quả.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra hồi cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch HĐQT MSH cũng cho biết, do tác động của COVID-19, doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, bảo hộ y tế và dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ. Hoạt động này là "phao cứu sinh" cho lợi nhuận nhưng cũng chỉ là tạm thời.
Chủ tịch MSH cũng chỉ ra nguyên phụ liệu đang là vấn đề khó khăn khi các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhằm hạn chế rủi ro phụ thuộc nước ngoài, MSH dự kiến đầu tư mới hoặc tìm liên doanh liên kết phục vụ cho việc cung ứng nguyên liệu.
Do ảnh hưởng của COVID-19, các hợp đồng và đơn hàng FOB của doanh nghiệp bị tạm dừng hoặc hủy. Vì vậy, doanh thu quý I chỉ đạt 939 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 63,8 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2020, MSH lên kế hoạch kinh doanh, với doanh thu thuần đạt 3.200 tỷ đồng, giảm 27% và lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 250 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2019.
Lãnh đạo MSH cho biết, kế hoạch trên đã được Ban Tài chính xây dựng khá lạc quan trong bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19 như sản lượng, doanh thu hàng FOB giảm, nguồn cung cấp nguyên liệu tại Trung Quốc bị gián đoạn, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ ngưng trệ. Phải đến năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh mới có thể trở lại bình thường.
Không riêng MSH, nhiều doanh nghiệp dệt may đang đối diện với những thách thức lớn do tác động của COVID-19. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), từ nửa cuối tháng 3, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam giãn, hoãn giao hàng, thậm chí hủy hợp đồng. Do đó, xuất khẩu dệt may đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong quý II/2020 sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh kém lạc quan trong quý I.
Một số công ty đã công bố kế hoạch năm 2020, hầu hết đều ước tính giảm lợi nhuận. Cụ thể, May Thành Công ước tính sẽ giảm khoảng 13%, Tổng công ty May Việt Tiến ước tính giảm tới 80%, Tổng công ty May 10 giảm khoảng 20% trong kịch bản cơ sở và 39% trong kịch bản xấu nhất.
Tuy nhiên, theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hàng hoá dệt may chưa nằm ở mức thiết yếu cao như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ con người… nhưng cũng thuộc nhóm các sản phẩm có nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, dệt may sẽ là một trong các nhóm hàng hoá có thể phục hồi sớm. Các mặt hàng cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý 3, quý 4/2020.
"Nhu cầu hàng dệt may có thể sẽ phục hồi từ quý 3/2020, bắt đầu bằng việc phục hồi các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp. Các doanh nghiệp có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng sẽ có đơn hàng trước. Tuy vậy, khả năng tổng cầu thế giới 2020 của dệt may vẫn giảm 20 - 25%", Đại diện Vinatex cho biết.
Trở lại với sự việc của MSH, trước thông tin khách hàng quan trọng nộp đơn phá sản, cổ phiếu MSH chốt phiên giao dịch ngày 16/7 giảm sàn xuống 31.750 đồng/cổ phiếu, giảm 6,9% so với phiên giao dịch ngày 15/7, với khối lượng giao dịch bán hơn 1 triệu cổ phiếu.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), MSH đang trong hình hành nhịp hồi phục sau khi chạm lại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 32.300đ/cp. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu. Chỉ báo MACD vẫn đang cho thấy dấu hiệu điều chỉnh trong khi chỉ báo RSI đang cho thấy nhịp hồi phục.
Tuy nhiên với thông tin bất lợi nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng, giá cổ phiếu này có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong những phiên sắp tới. Do đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để đầu tư dài hạn.
Có thể bạn quan tâm