007 và chuyện kinh doanh “hậu COVID”

QUÂN BẢO 12/10/2021 01:08

Nếu trong phim, James Bond luôn vạch ra đường đi của mình; thì trong thực tế, các doanh nghiệp, tổ chức cần phải biết chuẩn bị kế hoạch cho những tình huống xấu nhất

 Tập mới nhất của series phim “Điệp viên 007” - tập 25 - đã chính thức ra rạp. Tuy nhiên khoan bàn về nội dung, mà hãy xem thử chàng điệp viên này có thể đem lại cho giới kinh doanh những bài học như thế nào.

Rất ít người gắn liền hình ảnh James Bond với một người quản lý. Bởi nhân vật này luôn hành động một mình, không làm việc cho tổ chức nào, sở hữu sức mạnh tự có. Mặc dù vậy, khi tìm hiểu và ngẫm nghĩ, loạt phim này chứa đựng khá nhiều bài học về cách quản lý hiện đại, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid như hiện tại.

Tập 25 của series phim này đã phải mất đến 3 lần trì hoãn mới có thể ra rạp. Nguyên nhân chính là vì dịch, ngoài ra còn có một số lý do liên quan đến quy tắc dành cho các rạp chiếu phim.

Việc trì hoãn này khá giống với những bất ổn của thế giới kinh doanh trong mùa Covid. Bản thân 25 tập phim của series cũng có những tình tiết khá giống với tình trạng chung hiện nay trên toàn cầu. Theo đó, các tập phim thường diễn ra trong bối cảnh đầy nỗi sợ hãi và lo lắng - từ khủng bố, vi phạm an ninh mạng, tâm lý chính trị, cho đến những công nghệ đột phá.

Và thế giới hiện tại thì cũng tương tự như vậy. Giới kinh doanh hậu Covid sẽ phải hứng chịu nhiều cú sốc ngoại sinh hơn. Đó có thể là những gián đoạn về công nghệ, hay những cuộc gián đoạn toàn diện vì Covid. Thêm vào đó, tình hình căng thẳng giữa Pháp, Hoa Kỳ, Úc và Trung Quốc cũng dự báo sẽ có thêm nhiều bất ổn chính trị đe dọa nền thương mại toàn cầu. Ngoài ra, Vương quốc Anh sau khi tiến hành Brexit đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng và thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Nếu trong phim, James Bond luôn vạch ra đường đi của mình; thì trong thực tế, các doanh nghiệp, tổ chức cần phải biết chuẩn bị kế hoạch cho những tình huống xấu nhất, làm những điều để ngăn chặn tình trạng thất thoát, thua lỗ lớn. Dĩ nhiên Covid cho con người biết rằng không thể dự đoán trước điều gì. Tuy nhiên tình hình hiện nay yêu cầu họ phải biết đầu tư vào quản lý rủi ro và linh hoạt hóa chuỗi cung ứng. Và đặc biệt nhất là hãy học cách thích nghi với cái đầu lạnh.

Nếu chỉ nhìn sơ qua, thì James Bond là một người hành động đơn phương độc mã, một điệp viên tự mình giải quyết các hiểm họa toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài những kỹ năng đặc biệt của mình, James Bond cũng dựa vào những kỹ năng khác, hay nói đúng hơn là dựa vào người khác. Chẳng hạn, nữ quản lý M trực tiếp phân bổ khả năng của Bond. Hoặc Q luôn cung cấp cho anh những thiết bị cần thiết.

Giới kinh doanh thời kỳ trong và sau Covid cũng cần sự kết hợp tương tự giữa những con người sở hữu các kỹ năng đặc biệt. Các kỹ năng công nghệ cần được xem trọng nhất, mức độ kiến thức về code hoặc các công cụ đặc biệt như SEO cũng cần nâng cấp.

Tương tự vậy, các nhà lãnh đạo nên thường xuyên bồi dưỡng, phát triển kỹ năng xã hội. Để vượt qua thời kỳ Covid, doanh nghiệp cần có mức độ chuyên môn hóa cao, do đó phải tìm kiếm và thu hút lao động có kỹ năng chuyên môn cao cấp.

Những điều làm nên James Bond chính là phong cách và phụ kiện. Chúng là một phần của nhân vật và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hình ảnh James Bond thu hút người xem.

Tương tự vậy, doanh nghiệp cũng có “phong cách” và “phụ kiện” của riêng mình, có là văn hóa doanh nghiệp và những quy trình công việc.

Văn hóa doanh nghiệp bao gồm nhiều thứ, có thể là phong cách làm việc thường ngày, hoặc các biểu tượng tạo nên doanh nghiệp, v.v.. Và Covid đã gián đoạn những điều này khá nhiều khi người lao động chuyển sang làm việc từ xa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy văn hóa doanh nghiệp là động lực mạnh mẽ để làm việc hiệu quả và tạo nên sự khác biệt.

Trong khi đó, các quy trình làm việc có thể xem là kẻ thù của sự đổi mới. Vậy nên trong tình hình hiện tại, khi các quy trình đã biến mất, thì đó có thể là một điều may mắn. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu mở rộng, thì quy trình cho thấy khả năng hỗ trợ những thay đổi và thúc đẩy kho dữ liệu doanh nghiệp.

Vậy nên nếu James Bond có phong cách và phụ kiện để khắc họa hình tượng một chàng điệp viên khiến nhiều người yêu thích, thì doanh nghiệp cũng cần văn hóa và quy trình để thành công.

Tóm lại, chuẩn bị cho những điều bất ổn, kết hợp các kỹ năng, tận dụng lợi ích của những thứ “không cần thiết” là ba bài học quản lý theo xu hướng hiện đại có thể rút ra từ loạt phim Điệp viên 007. Sau tập 25, dù nam tài tử Daniel Craig sẽ chia tay nhân vật điệp viên, thế nhưng hãy mong đợi kinh tế sau Covid sẽ tươi sáng như tương lai của James Bond.

QUÂN BẢO


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
007 và chuyện kinh doanh “hậu COVID”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO