Dù đối mặt với nhiều thách thức, song kỷ nguyên số đang mở ra cho báo chí Việt Nam những không gian phát triển mới.
Lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các chuyên gia đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn báo chí toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2025.
Thách thức từ sự chuyển dịch mạnh mẽ
Trong phần trình bày của mình, nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận TƯ, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã phác họa bức tranh toàn cảnh về những khó khăn và cơ hội của báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Trích dẫn nghiên cứu báo chí mới nhất của Viện Reuters, nhà báo Lê Quốc Minh đề cập đến việc các nền tảng công nghệ lớn tích hợp tóm tắt bằng AI và các tính năng tin tức khác gây lo ngại cho báo chí. Hệ sinh thái truyền thông thay thế do YouTuber, TikToker và podcaster dẫn đầu cũng đang là thách thức trực tiếp các cơ quan báo chí chính thống.
Tại Mỹ đang ghi nhận sự dịch chuyển của độc giả và mạng xã hội lần đầu tiên vượt qua truyền hình về mức độ truy cập hay sự lên ngôi của video mạng xã hội, tin tức dựa vào cá nhân. Trong khi đó, niềm tin vào báo chí ổn định ở mức 40% nhưng vẫn thấp hơn thời điểm cao điểm COVID. Tỷ lệ những người né tránh tin tức đang tăng lên do cảm thấy tin tức quá tiêu cực, ảnh hưởng tâm trạng.
Về kinh tế báo chí, tỷ lệ người trả tiền cho tin tức số ở mức 18% tại các quốc gia thu nhập cao và rất khó để thu hút thêm người trả tiền. Google, Meta và Amazon đang kiểm soát khoảng 60% tổng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu, trong khi báo chí chỉ hưởng 5% thị phần này.
Làm chủ công nghệ, mở rộng không gian phát triển
Dù kỷ nguyên số đang đặt ra những thách thức lớn nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội và không gian tăng trưởng cho báo chí, nhất là trong giai đoạn, công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang trở thành xu thế phát triển tất yếu thì báo chí cần ứng dụng AI để phục vụ công việc, cụ thể là tự động hóa quy trình sản xuất tin tức, phân tích dữ liệu lớn, phát hiện xu hướng và cá nhân hóa nội dung. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tái định vị sản phẩm truyền thông truyền thống như báo in theo hướng trở thành một ấn phẩm chất lượng cao, cân bằng đổi mới kỹ thuật số với giá trị truyền thống để duy trì sự gắn bó của độc giả và tăng giá trị thương hiệu.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình đồng quan điểm và nhấn mạnh: báo chí vẫn là điểm neo đậu niềm tin của độc giả khi thống kê trên thế giới cho thấy, 40% người đọc mong chờ tìm về báo chí chính thống... Nhiều người vẫn có mong ước được cầm trên tay tờ báo in, được ngửi mùi mực tỏa ra từ những tờ báo mới.
Và câu chuyện đó, rất mừng là không chỉ ở những độc giả lớn tuổi mà cả ở lớp trẻ. Nhắc lại hình ảnh đoàn người xếp hàng dài gần 1 km chủ yếu là thanh niên để chờ nhận ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân dân nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lê Hải Bình cho rằng, đó là nguồn động viên to lớn đối với nhà báo và là niềm tin cho phát triển báo chí Việt Nam.
Nhìn lại 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, ông Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh tính cách mạng và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thể hiện bằng thể chế, cơ chế phát triển. Là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự án Luật Báo chí.
Rất nhiều ý kiến từ cơ quan ban ngành Trung ương đến địa phương và Quốc hội đều bày tỏ ủng hộ và tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho một không gian phát triển mới báo chí. Trong đó có câu chuyện tổ hợp báo chí, kinh tế báo chí, mở rộng nguồn thu của báo chí.