12 con giáp ở Hòn Dấu: Dung tục hay không là do… suy nghĩ

Sông Hàn 29/03/2018 13:38

12 bức tượng mô tả hình tượng 12 con giáp tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng) được cư dân mạng xã hội lan truyền nhiều ngày nay. Đáng chú ý là những bức tượng này bị cho là được thiết kế cách điệu rất thô tục và phản cảm.

Tượng 12 con giáp đặt ở Hòn Dấu gây tranh cãi trái chiều

Trước những “búa rìu” của một bộ phận dư luận, nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn (cha đẻ của các bức tượng) cho rằng ông tạo ra 12 con giáp nude này là để ca ngợi vẻ đẹp đầy đủ, nguyên lành của chính con người chúng ta: “Các bức tượng xuất phát từ ý tưởng nhìn nhận tất cả chúng ta dù là ai, con giáp nào thì đều được tạo hóa ban tặng cho một thân hình da thịt hoàn mỹ, đẹp đẽ, là một kiệt tác của thiên nhiên”.

Cá nhân ông Hoàng Văn Thiềng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu, cho là các bức tượng này thể hiện được ý nghĩa văn hóa phồn thực và tạo nét mới, nét độc đáo cho khu du lịch của mình nên quyết định trưng bày.

Rằng: “Vườn tượng này được đơn vị kết hợp với các nhà điêu khắc trong và ngoài nước làm từ năm 2007. Suốt hơn 10 năm nay, 12 con giáp vẫn được để ở đó và không có bất cứ sự phản ứng nào từ dư luận. Đây là văn hóa phồn thực thể hiện giao lưu văn hóa. Nếu vì dư luận mà phải phá bỏ thì thật là vô lý” - ông Hoàng Văn Thiềng nói.

Công bằng mà nói, tư duy đầu thú mình người và chất liệu điêu khắc đá không mới. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Hy Lạp hay La Mã cổ đại, người ta cũng đã diễn tả các tác phẩm nghệ thuật mô tả các vị thần linh của mình với đầu thú, mình người. Hoặc, ở Nhật Bản có lễ hội dương vật hay ngay trong tín ngưỡng phật giáo Ấn Độ, các bức tượng phù điêu ở chùa đều diễn tả các tư thế giao cấu của các vị thần.

Riêng tại Việt Nam, nếu tìm hiểu chút về tín ngưỡng phồn thực thì chúng ta thấy tín ngưỡng này phát triển rất phong phú. Đây là tín ngưỡng mang tính biểu tượng linh thiêng được thể hiện rõ nhất trong các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, mùa của sự sinh sôi, nảy nở.

Ví như: Lễ hội “Linh tinh tình phộc” được tổ chức vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm tại làng Tràm, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.  Hai linh vật là Nõ (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam) – Nường (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ), khi chủ tế miếu Đụ Đị hô vang “Linh tinh tình phộc”, 2 linh vật là Nõ và Nường sẽ đâm vào nhau. Nếu cả 3 lần Nõ đều đâm trúng Nường, người dân quan niệm cả năm đó sẽ được may mắn và làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.

Hay, ở Hòn Đỏ (Khánh Hòa) khi nhiều ngày liên tục không đánh được cá, người ta phải tới cầu xin, lạy 3 lạy và cầm vật tượng trưng cho sinh thực khí nam đâm vào Lỗ Lường 3 lần.

Cho đến những hình ảnh bầu vú người phụ nữ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Chăm, thể hiện ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực và xã hội mẫu hệ. Rồi, không ít hình khắc trên đá trong thung lũng Sa-pa, ở nhà mồ Tây Nguyên chẳng hạn..v..v.

Ngay cả những hiện tượng tưởng chừng rất xa xôi như chùa Một Cột (dương) trong cái hồ vuông (âm), tháp Bút (dương) và đài Nghiên (âm) ở cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn (tượng trưng cho sao Khuê) soi mình xuống hồ vuông (âm) Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu vv..., cũng đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực.

Dù ở bất kỳ dạng thức nào, dù mang tính thiêng hay tính trần tục thì tín ngưỡng phồn thực cũng in dấu đậm nét trong đời sống của người dân Việt, hòa mình vào văn hóa dân gian giàu triết lý nhân văn. Theo đó, nó không phải là hiện tượng dâm tục mà là ước vọng cơm no áo ấm ngàn đời của cư dân luôn phải “trông trời, trông nước, trông mây” để làm ăn. Đó chính là lý do mà những lễ hội, hình ảnh mang tính trần tục (xin được gọi như vậy) vẫn tồn tại với thời gian, sống cùng dòng chảy của lịch sử nước nhà.

Trở lại với vấn đề “12 con giáp nude” ở Hòn Dấu, nó xuất hiện từ năm 2007, nếu đáng để lên án thì tại sao dư luận không lên án ngay từ thời điểm đó mà phải chờ đến hơn 10 năm sau? Liệu mọi người có quá khắt khe khi lên án không?  

Suy cho cùng, nó cũng là một nét văn hóa, tín ngưỡng phồn thực dân gian được cách điệu. Hơn nữa, trong bối cảnh đất nước mở cửa giao lưu, hội nhập về văn hóa (dĩ nhiên là hòa nhập nhưng không hòa tan) cho phù hợp với xu thế quốc tế thì chúng ta phải làm quen, thích ứng dần với các sản phẩm, hiện tượng đó.

Nói cách khác, có thể tư tưởng của người tạo nên sản phẩm cũng  có lý và lời nói của người có trách nhiệm cao nhất ở khu du lịch Hòn Dấu cũng không sai. Tuy nhiên, có lẽ cái chưa hợp lý ở đây là vị trí đặt 12 bức tượng - nơi có nhiều trẻ em qua lại?

Thế nên mới nói, tùy “cách suy nếp nghĩ” của mỗi người, nếu nghĩ chúng là nghệ thuật thì các bức tượng trên cũng là một nghệ thuật. Còn "suy" chúng là dung tục thì hiển nhiên chúng sẽ dung tục.

Tất cả đều do “cái đầu, khối óc” của mỗi người mà ra cả!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
12 con giáp ở Hòn Dấu: Dung tục hay không là do… suy nghĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO