Nhà máy chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT trị giá 120 triệu USD tại Hải Phòng, liệu có là lời giải cho bài toán về nguồn nguyên liệu và tham vọng xanh của An Phát Holdings trong tương lai?
>>>Hải phòng: Chủ tịch Quốc hội dự lễ động thổ Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học
PBAT (polybutylen adipate terephthalate) là một polyme có thể phân hủy sinh học hoàn toàn. Khi được chôn trong môi trường đất thực, nó sẽ phân hủy hoàn toàn và không để lại dư lượng chất độc hại.
Theo ý kiến từ tạp chí C&EN của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, PBAT hiện tại đang được coi như một loại vật liệu sinh học của tương lai. Loại vật liệu này được phát triển nhằm giải quyết việc ô nhiễm môi trường do tái chế nhựa thông thường.
Trên thực tế, hầu hết nhựa tồn tại ngày nay đều được làm từ thập kỷ trước. Các nhà sản xuất polyme tổng hợp trong nhiều thập kỷ đã thất bại trong việc ngăn chặn sản phẩm của họ kết thúc tại các bãi chôn lấp và đại dương, và giờ đây họ đang phải chịu trách nhiệm cho việc đó. Nhiều người đang nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải bằng cách đầu tư vào nhựa sinh học có thể phân hủy với hy vọng sẽ giảm thiểu ít nhất một số chất thải.
Thay vì tái chế, nhựa sinh học có thể phân hủy PBAT sẽ bị phân hủy do tác động của các vi sinh vật sống tự nhiên như nấm, tảo và vi khuẩn. Nó sẽ bị phân hủy mà không tạo ra khí mê-tan hoặc thải ra bất kỳ chất độc nào có hại cho môi trường của chúng ta.
Tuy nhiên, tờ C&EN cũng có một lưu ý với PBAT, nó vẫn không thể tái tạo hoàn toàn vì một phần có nguồn gốc từ hóa dầu. Mặc dù vậy, hiện tại đây là giải pháp tốt nhất mà chúng ta có để chống lại rác thải nhựa đang tràn ngập trong đại dương, dưới lòng đất và đang khiến trái đất bị ô nhiễm một cách trầm trọng.
Mới đây, An Phát Holdings đã thực hiện việc động thổ dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT trị giá 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng. Liệu với nhà máy trên, có thể là “lời giải” cho bài toán về nguồn nguyên liệu và tham vọng xanh của An Phát Holdings trong tương lai?
Theo như lời phát biểu của ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát, nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT được coi là bước đi chiến lược giúp An Phát Holdings có mặt trong danh sách số ít các nhà sản xuất nguyên liệu xanh toàn cầu.Ông tự hào cho rằng, đây là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Đông Nam Á, nằm trong danh mục dự án công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, có công suất 30.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng.
Với tổng vốn đầu tư lên đến 120 triệu USD, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu của An Phát Holdings đồng thời phục vụ mục tiêu xuất khẩu quốc tế.
Trên thực tế, PBAT kết hợp một số thuộc tính có lợi của polyme tổng hợp và polyme sinh học. Nó có thể phân hủy sinh học và dễ dàng được sản xuất ở quy mô lớn. Bên cạnh đó là thừa hưởng các đặc tính vật lý cần thiết để tạo ra các màng mềm dẻo sánh ngang với các màng từ nhựa thông thường.
Bởi vậy, nhà máy này có thể được coi là nền móng để An Phát Holdings mở rộng thêm các dự án phát triển sản phẩm và nguyên liệu xanh trên toàn cầu. Đồng thời, tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và tiến tới thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống.
Và cũng thông qua dự án này, An Phát Holdings sẽ khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn đồng thời chính thức tham gia vào mạng lưới nguyên liệu xanh toàn cầu.
Hiện tại, mối quan tâm đến PBAT ngày càng tăng lên. Các nhà sản xuất lâu đời như BASF của Đức và Novamont của Ý đang nhận thấy nhu cầu tăng lên sau nhiều thập kỷ tìm kiếm thị trường. Và họ cũng đang có sự tham gia của hơn nửa tá nhà sản xuất châu Á, khi các chính phủ khu vực thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Một thị trường lớn cho PBAT là màng mỏng, được phủ xung quanh cây trồng để ngăn cỏ dại và giúp giữ ẩm. Khi sử dụng màng polyetylen, chúng phải được kéo lên và thường được chôn lấp. Nhưng các màng phân hủy sinh học PBAT có thể được xới lại ngay trong đất.
Một thị trường lớn khác là túi rác có thể phân hủy được, được sử dụng cho dịch vụ ăn uống và thu gom thực phẩm và rác thải hộ gia đình. Túi của các công ty như BioBag, mà Novamont mới mua lại, đã có mặt tại các nhà bán lẻ trong nhiều năm.
Ngoài ra, còn một thị trường mới nổi cho vật liệu PBAT là dao kéo có thể phân hủy sinh học. Những sản phẩm này đã được phát triển ở những nơi, chẳng hạn như châu Âu, nơi đã thông qua các quy định hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Tại châu Á, nhiều người chơi lớn đang tham gia vào thị trường nóng này, thí dụ như tập đoàn LG Chem của Hàn Quốc. Tập đoàn này đang xây dựng một nhà máy PBAT 50.000 tấn/năm, trị giá 2,2 tỷ USD ở Seosan, dự kiến sẽ sản xuất vào năm 2024. Bên cạnh đó là SK Geo Centric và Kolon Industries đang hợp tác xây dựng một nhà máy PBAT 50.000 tấn ở Seoul.
Nhưng, “cơn sốt” PBAT lớn nhất phải là ở Trung Quốc. Nhà phân phối hóa chất Trung Quốc OKCHEM dự đoán rằng sản lượng PBAT của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 400.000 tấn vào năm 2022. Dự án lớn nhất trong tương lai là của nhà sản xuất PTA Trung Quốc Hengli khi đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy 450.000 tấn/năm.
Có thể thấy, với việc xây dựng nhà máy công suất 30.000 tấn/năm, mặc dù vẫn còn khá nhỏ so với những “ông lớn” trên thế giới. Nhưng, cũng đã cho thấy những bước chuẩn bị của An Phát Holdings trong cuộc chơi nguyên liệu xanh toàn cầu tương lai…
Có thể bạn quan tâm