2 năm 50 vụ ô nhiễm và sự cố môi trường nghiêm trọng

Bảo Loan 10/12/2018 06:30

Từ 2016 đến nay, toàn quốc đã có trên 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là sự cố môi trường nghiêm trọng ở ven biển 04 tỉnh miền Trung.

Hiện nay, cả nước còn tới 25% số khu công nghiệp và 95% số cụm công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tình trạng xả thải không qua xử lý ra môi trường là rất nghiêm trọng, hơn 300 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nước thải sinh hoạt ở các đô thị, khu dân cư được xử lý trước khi xả ra môi trường chỉ đạt 11%.

Tỷ lệ chất thải rắn chưa được thu gom tại các đô thị từ 15 - 16%, khu vực ngoại thành là 40%, khu vực nông thôn từ 45 - 60%, nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chậm được xử lý, cải tạo, phục hồi. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên đã giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái. Trong khi đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sa mạc hóa đất đai do tác động cực đoan của thời tiết ngày càng nghiêm trọng.

nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm bụi trong không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm mùi tại nhiều khu vực gia tăng mạnh

Ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, tại các làng nghề, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, khu chăn nuôi tập trung, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến nông lâm thủy sản, một số bệnh viện, các bãi rác... là rất nghiêm trọng. Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm bụi trong không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm mùi tại nhiều khu vực gia tăng mạnh, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các lưu vực sông, khu đô thị, khu vực nông thôn, một số khu vực biển ven bờ do đã tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển.

Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và an ninh trật tự xã hội.

Không thể phủ nhận, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên, nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương quan tâm lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Năng lực quản lý, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ còn yếu và thiếu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chủ động, thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đầu tư cho môi trường còn hạn hẹp; chưa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực trong xã hội.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ môi trường hết sức nặng nề, nhiều vấn đề môi trường tích tụ chưa được giải quyết, áp lực lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu; biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Với những thách thức, khó khăn đó, truyền thông về môi trường đang được đẩy mạnh, đặc biệt việc áp dụng truyền thông đa phương tiện.

Việc “Xây dựng hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý qua truyền thông đa phương tiện” là hết sức cần thiết và cấp bách. Chắc chắn rằng, đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho các cấp quản lý và nghiên cứu tham khảo và đề ra các chính sách thích hợp trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể của xã hội.

Đây là hệ thống truyền thông đa phương tiện với mục đích nâng cao nhận thức của công dân về bảo vệ môi trường và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từ đó thay đổi thái độ, hành vi về môi trường, tạo lập cách ứng xử thân thiện với môi trường, tự nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Đồng thời cũng phát hiện các tấm gương, mô hình tốt, đấu tranh với các hành vi, hiện tượng tiêu cực xâm hại đến môi trường và xây dựng nguồn nhân lực và mạng lưới truyền thông môi trường, góp phần thực hiện thành công xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
2 năm 50 vụ ô nhiễm và sự cố môi trường nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO