Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là việc giải quyết vấn đề cán bộ, công chức dôi dư.
Câu chuyện, một cán bộ xã ở Hà Tĩnh chủ động xin nghỉ việc sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính đã nhận lương cùng hỗ trợ nghỉ việc lên đến 760 triệu đồng đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Người được nhận tiền hỗ trợ nghỉ việc gây… xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua là ông Phạm Đức Trung – nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền).
Ông Trung cho biết, do sáp nhập xã Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân thành thị trấn Tiên Điền dôi dư cán bộ nên sau khi được Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân vận động, ông đã chủ động xin nghỉ việc để tạo cơ hội cho người khác, mặc dù theo tuổi thì ông còn 10 năm nữa mới nghỉ hưu.
Theo ông Trung, năm nay ông 51 tuổi, trước khi nghỉ việc, ông đã có 31 năm công tác, nếu như không xin nghỉ thì tổ chức cũng đã tính để ông tiếp tục làm Bí thư thị trấn Tiên Điền.
“Tôi ở lại thì vẫn đủ điều kiện, khả năng, năng lực làm việc nhưng mất đi cơ hội của người khác, mà họ cũng được đào tạo và còn trẻ nên có điều kiện để cống hiến” – ông Trung chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 26/03/2019
00:01, 11/03/2019
11:53, 22/12/2018
00:20, 11/12/2018
07:30, 23/11/2018
06:38, 15/11/2018
14:00, 24/12/2019
Cũng theo ông Trung, hiện cả lương và phụ cấp Huyện ủy viên, Hội đồng xã, chính trị viên xã đội, báo cáo viên Huyện ủy… của ông là hơn 11 triệu đồng/tháng.
Trong khi, với số tiền 760 triệu đồng mà còn 10 năm nữa mới nghỉ hưu thì tính ra ông được trả 5 triệu đồng/tháng. Thành ra, nếu ông tiếp tục làm việc thì nhà nước còn tốn tiền trả lương cho ông nhiều hơn.
Trao đổi thêm câu chuyện này, ông Phan Văn Thư - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân cho biết, “Với thu nhập của ông Trung, nếu tiếp tục công tác hơn 10 năm nữa mới nghỉ hưu thì số tiền cộng lại sẽ cao hơn rất nhiều so với 760 triệu đồng. Do vậy, nếu cho rằng nghỉ việc mà được nhận số tiền đó là lớn quá thì không đúng. Chẳng qua họ gương mẫu, vì tổ chức nên chủ động xin nghỉ để nhường cơ hội cho người khác thôi”.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy, số tiền 760 triệu kia hoạt nhìn tưởng chừng rất lớn và rất vô lý nhưng lại rất đúng quy định, rất cần trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Trở lại với câu chuyện sáp nhập huyện xã, theo đề án sắp xếp các huyện, xã giai đoạn 2019-2021, sẽ có 45 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện sắp xếp các huyện, xã. Quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chỉ giữ lại những công chức đủ năng lực, có tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền.
Sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giảm được khoảng 10.000 cán bộ, công chức và khoảng 10.000 người hoạt động không chuyên trách trong bộ máy cấp huyện, xã.
“Không đưa được công chức không làm được việc ra khỏi đội ngũ là sự không thành công của tinh giản biên chế hiện nay".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN ANH TUẤN
Cần phải khẳng định lại rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, qua đó sẽ thực hiện được việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần giảm tải được gánh nặng của Ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên hướng giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập thực hiện thế nào đang là điều quan tâm của dư luận.
Để làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Có một số cách để giải quyết như, tinh giản biên chế, bố trí sang những đơn vị hành chính còn đang thiếu mà chưa lấy đủ biên chế, hoặc là xem xét xét tuyển vào làm công chức cấp huyện hoặc các sở, ngành.
Theo đó, các địa phương có thể dành một phần biên chế được giao hằng năm để xem xét tuyển chọn những trường hợp này. Ngoài ra, những người có nguyện vọng thôi việc thì giải quyết cho thôi việc, người không đủ điều kiện tái cử thì thực hiện chính sách chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
“Việc sáp nhập huyện, xã cũng là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức. Ai làm được việc thì bố trí vào bộ máy mới; ai làm việc được mà không bố trí được vào bộ máy mới thì có cơ hội vào cơ quan cấp huyện, sở ngành.
Còn ai không làm được việc thì đây cũng là dịp để phân loại đánh giá để thực hiện các chính sách đã ban hành như tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, không đủ điều kiện tái cử thì chờ đến tuổi nghỉ hưu”. - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định.
Quan điểm, chỉ đạo của các cấp chính quyền đã rõ ràng, tuy nhiên, xét thực tế có thể thấy, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là việc giải quyết vấn đề cán bộ, công chức dôi dư.
Bởi, hiện các cán bộ, công chức đều đang làm việc bình thường, đang giữ một vị trí công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, khi tiến hành sáp nhập phải sắp xếp lại, do đó, sẽ có nhiều người phải thay đổi vị trí công tác, được điều động, tuyển dụng làm việc tại các cơ quan đơn vị khác. Nhưng cũng có những trường hợp phải giải quyết cho nghỉ, cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế.
Vì vậy, công thức tổ chức, sắp xếp lại cán bộ cần phải được tiến hành và giải quyết thỏa đáng, có tình có lý, được cả cái chung và cái riêng.
Với hơn 20.000 cán bộ, công chức dôi dư, cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Đối với những cán bộ còn khả năng làm việc, nhưng tình nguyện nghỉ sớm để nhường ghế cho lớp trẻ, cho lớp cán bộ có năng lực cao hơn như trường hợp của ông ông Phạm Đức Trung kể trên cần được xem xét giải quyết hỗ trợ xứng đáng.
Còn những trường hợp dư thừa thực sự, bị loại ra khỏi bộ máy vì năng lực thì phải có chính sách khác, không để và không thể dùng tiền ngân sách để trả cho họ những tháng năm còn lại mà họ không cống hiến xứng đáng.
Dù thế nào cũng không được để tư duy “mất ghế”, mất việc chi phối tâm lý cán bộ, công chức, bởi khi sáp nhập, mỗi đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng đơn vị hành chính theo đúng quy định; còn số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, sắp xếp, giải quyết phù hợp.