25 cuốn sách cổ: Giá trị không chỉ nằm ở trang giấy

THANH BÌNH 27/12/2022 01:00

25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc.

>>Bảo tồn và phát triển di sản làng nghề Việt Nam

Câu chuyện Viện nghiên cứu Hán Nôm để mất 25 cuốn sách cổ đang làm mạng xã hội xôn xao những ngày qua. Bởi sự 25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc, gây thiệt hại tinh thần, học thuật quá lớn.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ra thông cáo chi tiết về việc 25 cuốn sách quý bị mất. Theo đó, khoảng tháng 3 - 4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá.

Hình ảnh cuốn Nam quốc địa dư chí được số hóa - Ảnh tư liệu

Hình ảnh cuốn Nam quốc địa dư chí được số hóa - Ảnh tư liệu

Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Viện đã làm việc với người quản lý kho sách để chấn chỉnh, dự kiến các giải pháp điều chỉnh quy trình quản lý sách tránh thất thoát; đồng thời lên kế hoạch tổng kiểm kê nhằm tìm kiếm các cuốn sách bị lạc và đối soát tất cả các văn bản khác đang lưu trữ tại Viện.

Cơ quan này cũng cho hay, đến tháng 4/2022, sau khi khôi phục điều kiện làm việc bình thường, Viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Đây là lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua. Thông qua 3 tháng rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 cuốn. Sau khi tiếp tục cho rà soát, Viện tìm được 4 cuốn (do để sai chỗ trên giá). Như vậy tổng số sách chưa thấy trên giá là 25 cuốn.

Đáng chú ý, trong số 25 cuốn sách bị mất, có 4 cuốn Toàn Việt thi lục, thuộc 3 bộ khác nhau do Lê Quý Đôn biên soạn, Việt âm thi tập do Phan Phu Tiên và Thị Ngự sử Chu Xa kế tục soạn.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Diện - Phó trưởng phòng văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ với báo giới, 25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc. Chỉ riêng việc công trình Toàn Việt thi lục bị thất lạc đã là một mất mát quá lớn của văn hóa, văn học nước nhà. Vì tác phẩm này là một bộ sách cực lớn, do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập và biên soạn. Nó có quy mô đồ sộ gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố công khai.

Về độ quý hiếm thì không thể bàn cãi, còn về độ lưu trữ thì hiện nay cả thế giới chỉ còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội châu Á ở Paris.

>>Di sản văn hóa tạo động lực cho phát triển du lịch

>>Di sản văn hóa là cội nguồn phát triển

Có ý kiến cho rằng 25 cuốn sách cổ ấy chỉ bị mất bản gốc, nội dung đã được số hóa thì vấn đề cũng không có gì to tát lắm. Người nói ra câu này một là thiếu chuyên môn nặng nề về nghiệp vụ lưu trữ và văn thư, hai là cực kỳ vô cảm trước sự mất mát của một phần lịch sử, một phần văn hóa dân tộc.

PGS.TS Băng Thanh cũng cho rằng, thơ ca từ thế kỷ XVIII trở về sau được ghi chép nhiều trong các tác phẩm cá nhân, nhưng từ thế kỷ XVII trở về trước không có nhiều, trong đó Toàn Việt thi tập là bộ sách được ghi chép đầy đủ và bài bản nhất. Hay như trong phần Lệ ngôn của tác phẩm này, chính tác giả của nó (nhà bác học Lê Quý Đôn) cũng đã khẳng định rằng: Bộ sách là công trình sưu tập “đầy đủ nhất về các thể, các loại thơ, của các tầng lớp xã hội cho đến thời điểm bấy giờ”.

Hãy nhớ, khác với Trung Quốc và nhiều nền văn hóa, văn minh trên thế giới, con cháu chúng ta thường biết đến quá khứ của cha ông thông qua các cuộc chiến tranh, với hy sinh và mất mát. Không phải ai cũng biết (hoặc hiểu rằng) bên cạnh xung đột và bể dâu, người Việt xưa cũng làm thơ và học họa. Nếu không nhờ những tác phẩm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, nếu không có những Hồ Xuân Hương hay Cao Bá Quát,…lịch sử dân tộc sẽ chỉ có “máu” mà thiếu hẳn dư vị của “hoa”, của những phút giây thanh bình tuy ngắn ngủi. Thế mới thấy sự thất lạc của 25 cuốn sách cổ ấy nghiêm trọng đến nhường nào.

Sự vô giá ấy của các công trình chính là thước đo bằng vàng cho giá trị của một dân tộc, với thời gian dài đằng đẵng dựng nước và giữ nước. Đáng nói hơn cả là trong những sách bị mất, có sách ghi chép về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Điều này cũng có nghĩa, công trình của Lê Quý Đôn không chỉ có giá trị về mặt khoa học trong việc ghi chép, sắp xếp, mà còn là nguồn tư liệu quý hiếm cho cho các học giả sau này nghiên cứu thơ ca Việt Nam nhiều thế kỷ trước. Và rõ ràng là, sự mất mát này là một tổn thất rất lớn đối với văn hóa, văn hiến dân tộc. Về lâu về dài, người Việt sẽ dần đánh mất sự kết nối với quá khứ của chính mình, khi những gì của cha ông đang bị lãng quên theo năm tháng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo tồn và phát triển di sản làng nghề Việt Nam

    00:00, 16/12/2022

  • Dấu ấn di sản: Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử

    08:30, 13/12/2022

  • Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển

    19:35, 12/12/2022

  • Di sản văn hóa tạo động lực cho phát triển du lịch

    03:00, 12/12/2022

  • Bất động sản gắn với bảo tồn di sản: Nền tảng của đô thị bền vững

    20:00, 07/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
25 cuốn sách cổ: Giá trị không chỉ nằm ở trang giấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO