3 trọng tâm của công tác xúc tiến thông qua thương mại điện tử

DƯƠNG THÀNH 20/10/2023 17:45

Hiện nay, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tận dụng hiệu quả lợi thế của các nền tảng thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu đang được đẩy mạnh triển khai.

>>> Việt Nam đang vào cấp độ mới của thương mại điện tử xuyên biên giới

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu hướng được các doanh nghiệp cũng như quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Dương, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp còn rất lớn. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn.

bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương

Bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết: “TMĐT là một phương thức kinh doanh mà chúng tôi cảm thấy rất hiệu quả trong những năm gần đây. TMĐT giúp kết nối giữa doanh nghiệp và người bán rất nhanh chóng. Thay vì như trước đây doanh nghiệp tham gia các cuộc triển lãm ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kênh tiêu thụ, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí, thì với TMĐT sản phẩm của chúng tôi được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm của chúng tôi đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới”.

>>> Kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi qua nền tảng thương mại điện tử

Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, thực hiện theo Quyết định 1968 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai rất nhiều những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại với mục tiêu tập trung xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

ông Nguyễn Thành Dương, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Ông Nguyễn Thành Dương, PGĐ Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Cụ thể, theo ông Nguyễn Thành Dương, Cục đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba.com, TikTok, Amazon.com, Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo,… triển khai các thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số nói chung cũng như sàn thương mại điện tử nói riêng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cục Xúc tiến thương mại cũng đang triển khai phối hợp chặt chẽ với sàn thương mại điện tử Alibaba xây dựng và phát triển Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion. Mục đích để có thể giới thiệu, quảng bá những sản phẩm của Việt Nam tới những khách hàng quốc tế cũng như thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm Việt Nam tới toàn thế giới.

Theo đó, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên Alibaba là nơi tập hợp của 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp thúc đẩy những thương hiệu Việt Nam thông qua thị trường quốc tế, thúc đẩy giao thương giữa nhà mua hàng quốc tế và nhà bán hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, thông qua Gian hàng quốc gia Việt Nam tại Alibaba.com chúng tôi cũng giúp nâng cao những nhận thức về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới khách hàng quốc tế.

Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử cho Việt Nam còn một số hạn chế, đó là rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại điện tử tạo nên thách thức lớn cho Việt Nam trong quá trình xuất khẩu xuyên biên giới.

Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, những quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu, nhất là mỗi một thị trường đều có những quy định, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm riêng; năng lực xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, có một số những doanh nghiệp chưa nắm được những thông tin về thị trường, nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng đối với những thị trường mục tiêu dẫn đến những khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, về chi phí tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, ngoài những chi phí liên quan đến việc phân phối, sản xuất hàng hóa thì doanh nghiệp còn phải gánh thêm những chi phí liên quan bao gồm marketing, lưu kho hàng, và vận tải. Doanh nghiệp lớn có thể tối ưu hóa chi phí này dựa trên kinh nghiệm, nhưng doanh nghiệp nhỏ và mới tham gia thị trường cần phải có sự hỗ trợ từ đơn vị tư vấn để tối ưu hóa những khoản này.

khó khăn chung đối với rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến hoạt động logistics

Hoạt động logistics là khó khăn chung đối với rất nhiều doanh nghiệp trong thương mại điện tử xuyên biên giới

Cuối cùng, đó là khó khăn chung đối với rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến hoạt động logistics. Doanh nghiệp cần phải nắm rõ được những quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, những phương án bảo quản hàng hóa hiệu quả, tính toán được những phương án logistics để có được giá cả cạnh tranh so với những doanh nghiệp có cùng những sản phẩm đó.

>>> Thương mại điện tử – đòn bẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải, ông Dương cũng đã chỉ ra 3 trọng tâm của công tác xúc tiến thương mại thông qua thương mại điện tử thời gian tới.

Thứ nhất, chúng tôi sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hoàn thiện những nền tảng số tương ứng đối với những hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để có thể kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và những hộ kinh doanh kinh doanh hiệu quả trên môi trường số.

Thứ hai, đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tìm kiếm những sàn thương mại điện tử lớn hơn, phù hợp hơn, cũng như có nhiều xu hướng hơn để có thể hỗ trợ kịp thời đối với những doanh nghiệp đang có ý định kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Chúng tôi cũng hướng tới việc xây dựng những gian hàng chung, những gian hàng quốc gia Việt Nam tại các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới để có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh sản phẩm của họ tới những khách hàng quốc tế hiện nay.

Thứ ba, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại các địa phương trên toàn quốc để họ có thể hiểu rõ hơn về cách thức để có thể kinh doanh trên môi trường số, những phương thức chuyển đổi số trong hoạt động mà xúc tiến thương mại, những kỹ năng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam đang vào cấp độ mới của thương mại điện tử xuyên biên giới

    13:45, 19/10/2023

  • Đằng sau “cái chết” của nền tảng thương mại điện tử B2B Việt Nam?

    01:20, 19/10/2023

  • Kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi qua nền tảng thương mại điện tử

    23:24, 17/10/2023

  • Thương mại điện tử an toàn và bền vững

    15:07, 17/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 trọng tâm của công tác xúc tiến thông qua thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO