Địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và là nơi có môi trường chính sách tốt chính là 3 trụ cột chính để các đặc khu kinh tế trên thế giới thành công.
Đây là chia sẻ của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi góp ý về chính sách phát triển mô hình đặc khu kinh tế mới tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo “Đặc khu - Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công" được tổ chức sáng nay (18/5) tại Hà Nội.
Theo đó, mục tiêu khi thành lập các đặc khu đó chính là cải cách môi trường kinh doanh và thay đổi chính sách phát triển. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình đầu tư đặc khu cũ, sẽ vấp phải các rủi ro, hạn chế đầu tư ở các đặc khu hiện nay đó là phân mảnh môi trường pháp quy, đặc biệt là cuộc đua về ưu đãi, trong đó phải nhắc đến ưu đãi thuế.
Phân tích chi tiết về điều này, ông Sebastian cho biết: “Chúng tôi cho rằng nếu Việt Nam không cẩn trọng hoạt động ưu đãi thu hút đầu tư vào các đặc khu có thể dẫn tới cuộc đua xuống đáy về chính sách và ưu đãi”.
Cũng theo Chuyên gia kinh tế trưởng WB, thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam hết sức thành công thu hút đầu tư nước ngoài, đã có gần 100 tỷ USD vốn nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp. Theo đó, các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Cụ thể là chiếm 52% tổng thu hút FDI, 42% số lượng sản xuất công nghiệp và 52% sản lượng xuất khẩu. Nhiều khu công nghiệp đang được khu vực tư nhân xây dựng với chuỗi giá trị trong một số ngành mũi nhọn như điện tử, ô-tô,...
Ngoài ra, các khu công nghiệp này cũng đã tạo ra môi trường kinh doanh khá thuận lợi, ví dụ đơn giản hóa thủ tục, cơ chế một cửa, thông quan, giải phóng hàng ra khỏi cảng,...
Ngoài ra, ông Sebastian cũng lưu ý: “Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn".
Một trong những đặc khu kinh tế thành công và gây được tiếng vang vào những năm 90 của thế kỳ trước đó chính là đặc khu kinh tế Thẩm Quyến Trung Quốc. Cũng chính từ mô hình này đã phổ biến ra thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang có 571 đặc khu, đóng góp vào 22% GDP của toàn Trung Quốc, thu hút 45% tổng FDI của Trung Quốc và tạo ra hơn 30 triệu việc làm. Sau này phải kể đến các đặc khu tại Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập,... Sự thành công của các đặc khu này cho thấy vai trò tích cực của đặc khu trong sự phát triển kinh tế.