Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố thuế bán phá giá mới với tôm xuất khẩu từ Việt Nam về 0% cho hai bị đơn bắt buộc và 29 đơn vị có liên quan.
Đây là kết quả mức thuế sơ bộ cho lần xem xét hành chính thứ 13 trong vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam và Mỹ.
“Mức thuế 0% mà DOC công bố cho 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và các bị đơn tự nguyện còn lại cũng chứng tỏ doanh nghiệp tôm Việt Nam không bán phá giá sang thị trường Mỹ. Nếu mức thuế này giữ nguyên ở kết quả phán xét cuối cho giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 – POR13 sẽ là động viên lớn cho doanh nghiệp, tạo đà thuận lợi xuất khẩu tôm sang Mỹ”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.
Với vai “người trong cuộc”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta chia sẻ với Người Lao động rằng, đây là mức thuế chống bán phá giá tốt nhất trong lịch sử 13 năm Việt Nam theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá tôm của Mỹ.
"13 năm qua, chưa bao giờ các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc được áp mức thuế CBPG 0% và những doanh nghiệp bị đơn tự nguyện còn lại cũng được thuế suất 0%. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới DOC. Mức thuế sơ bộ này kỳ vọng được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng của DOC trong tháng 9 tới giúp xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ khả quan trong thời gian tới", ông Lực vui mừng chia sẻ.
Được biết, mức thuế CBPG tạm tính của Công ty CP thực phẩm Sao Ta xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ hiện là 4,58%, do đó, việc thuế về 0% được áp dụng doanh nghiệp sẽ có cơ hội được cạnh tranh bình đẳng trên thị trường này.
Đặc biệt, mức thuế sơ bộ này là cơ sở tốt để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới. Nếu được giữ nguyên, việc xuất khẩu tôm của doanh nghiệp Việt sẽ thuận lợi hơn không chỉ tại Mỹ mà còn tăng sức cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu tôm từ Ấn Độ và Thái Lan và các nước khác vào thị trường rộng lớn này.
Tại lần xem xét hành chính thứ 13 này, Bộ Thương mại Mỹ kết luận sơ bộ rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Công ty Sao Ta (HoSE: FMC) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018. Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty là 0%.
Vì đây là hai bị đơn bắt buộc trong đợt POR13 nên 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên cũng được hưởng mức thuế 0%.
Ngược lại, với 67 công ty khác của Việt Nam không thuộc các trường hợp nêu trên, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất riêng nên sẽ chịu thuế suất thuế bán phá giá chung cho sản phẩm cùng loại từ Việt Nam là 25,76%. Trước đó, DOC ngày 9/8/2018 đã hủy bỏ rà soát đối với Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng và Seavina.
Có thể thấy, trong những đợt rà soát thuế chống bán phá giá gần đây, con tôm Việt Nam luôn nhận được những kết quả tích cực. Tháng 9 năm ngoái, kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 cũng giảm mạnh xuống mức 4,58%. Mức thuế này đã thấp hơn rất nhiều so với mức thuế sơ bộ 25,39% mà DOC thông báo ngày 8.3.2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.
Danh sách cụ thể các công ty: